Các dấu hiệu của MERS rất dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Ảnh mang tính chất minh họa
Có nhiều người nhiễm MERS–CoV và đã tử vong ở Hàn Quốc. Trước mối nguy virus này sẽ vào Việt Nam, bạn hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu về bệnh để có cách ứng phó khi dịch này lan đến nước ta.
MERS–COV LÀ GÌ?
Đây là Hội chứng viêm hô hấp vùng Trung Đông (viết tắt MERS) do virus corona (CoV), loại virus gây cảm lạnh thông thường, gây ra. Virus này được báo cáo lần đầu vào năm 2012 tại Ả Rập Xê-út. MERS–CoV được phát hiện ở lạc đà tại một số quốc gia và không thấy ở các gia súc khác.
NGƯỜI NÀO CÓ NGUY CƠ NHIỄM MERS–COV?
Người cao tuổi, bệnh tiểu đường, bệnh tim, gan hoặc có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng, người chăm sóc bệnh nhân như nhân viên y tế, người thân bệnh nhân có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Người tiếp xúc với dịch cơ thể, dịch tiết hô hấp, thịt sống, sữa chưa tiệt trùng của lạc đà ở bán đảo Ả Rập có nguy cơ lây truyền cao. Đó có thể là người bán sản phẩm từ lạc đà ở chợ, người giết mổ lạc đà, bác sỹ thú y hoặc nhân viên trường đua. Tuy nhiên, không phải tất cả lạc đà đều truyền bệnh. Lạc đà Mông Cổ không nhiễm virus corona, nhưng các nhà nghiên cứu cũng không chắc về điều này.
KHI CÓ DẤU HIỆU BỆNH PHẢI LÀM GÌ?
Nếu bạn đi du lịch đến Ả Rập hay một quốc gia láng giềng và có các triệu chứng như sốt, ho khan, khó thở, buồn nôn, nôn và tiêu chảy trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Sau đó, nhân viên y tế sẽ chuyển bạn đến bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. HCM. Trong khi bệnh, bạn hãy ở nhà, không đi làm và đeo khẩu trang.
CÁCH NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN MERS–COV?
Xét nghiệm PCR (xét nghiệm nhân gien), được thực hiện với các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp (dịch đờm hoặc máu).
• Xét nghiệm miễn dịch để tìm kháng thể MERS–CoV, vì khi một người đã bị nhiễm virus, cơ thể sẽ phát triển phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể.
• Xét nghiệm máu: Tế bào lympho và tiểu cầu đều giảm trong khi creatinine phosphokinase (CPK) và huyết thanh lactate dehydrogenase (LDH) có thể tăng.
• Chụp X-quang ngực cho thấy phổi bị viêm, có thể trông loang lổ. Chụp CT thấy có những vết mờ bất thường ở phổi.
CÓ THUỐC CHỦNG NGỪA KHÔNG?
Hiện vắc-xin MERS–CoV vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
ĐIỀU TRỊ MERS–COV BẰNG CÁCH NÀO?
MERS–CoV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân MERS–CoV thường được thở khí ô-xy, dùng thuốc giảm ho, sốt nếu ho nhiều, sốt cao trên 38,5°C. Trường hợp bội nhiễm phế quản phổi sẽ được dùng kháng sinh phổ rộng. Nếu bệnh nhân suy thận, sẽ được truyền dịch và điều trị theo phác đồ suy thận.
Thuốc điều trị triệu chứng ban đầu của MERS−CoV là thuốc trị cảm cúm, cảm lạnh như thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc chống dị ứng chlorpheniramin, thuốc chống đau đầu codein, thuốc chống chảy mũi epinephrin, thuốc tăng cường miễn dịch vitamin C.
− Liều lượng: Uống 1 viên/lần, 2 lần/ngày cách nhau ít nhất 4 giờ.
Lưu ý: Thuốc có thể gây viêm gan cấp nếu uống liền một lúc 2−3 viên trong vài ngày. Thuốc có thể gây ra buồn ngủ nên cẩn thận khi lái xe.
PHÒNG BỆNH THẾ NÀO?
• Rửa tay sạch với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.
• Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay rồi rửa tay cẩn thận.
• Khử trùng các bề mặt thường chạm vào như nắm cửa.
• Tránh chạm tay vào mặt, miệng và mũi khi tay chưa sạch.
• Không dùng chung ly, đồ dùng hoặc các vật dụng khác với người bệnh.
• Tránh tiếp xúc với lạc đà.
Thông tin thêm
Các bệnh viện tuyến cuối điều trị MERS gồm có: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM.
Mục Sức khỏe/Tiếp Thị Gia Đình