Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường

Tiểu đường là chứng bệnh khá phổ biến và không loại trừ bất cứ ai. Bài viết của bác sĩ Phan Hữu Tú, chuyên khoa I Nội tiết, Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ, sẽ giúp bạn đọc có những thông tin khái quát nhất về căn bệnh này

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây tăng đường trong máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid và protein do thiếu insulin có kèm hoặc không kèm đề kháng insulin với các mức độ khác nhau. Hệ quả của tăng đường máu mạn tính là tổn thương nhiều cơ quan như: tim, mắt, thận, thần kinh…

PHÂN LOẠI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

• Tiểu đường loại 1: Là trường hợp tuyến tụy không tiết Insulin. Đối tượng thường là trẻ em và người ở độ tuổi vị thành niên (10-16 tuổi).

• Tiểu đường loại 2: Là trường hợp tuyến tụy tiết không đủ insulin và/hoặc đề kháng Insulin. Theo khảo sát của Viện Nội tiết Trung ương, năm 2013 Việt Nam có 5,7% người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 90% trường hợp bị tiểu đường loại 2. Ngày nay tiểu đường loại 2 có xu hướng trẻ hóa, có thể gặp ở người trên 30 tuổi.

Ngoài ra còn có các loại tiểu đường khác như: tiểu đường thai kỳ, tiểu đường thứ phát do sử dụng một số thuốc.

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC NGUY CƠ GÂY TIỂU ĐƯỜNG

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tiểu đường như:

• Gia đình có người bị tiểu đường (ba, mẹ, anh chị em ruột)

• Tiền sử bị rối loạn mỡ máu hoặc bệnh huyết áp – tim mạch

• Quá cân, béo phì, béo bụng (nam vòng eo trên 90cm, nữ trên 80cm), ăn nhiều chất béo – ít rau, uống rượu bia nhiều và thường xuyên

• Đã bị tiểu đường thai kỳ, sinh con trên 4kg, ở giai đoạn tiền tiểu đường

• Trên 45 tuổi hoặc dưới 45 tuổi và có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 23

TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG

Đa phần tiểu đường không được phát hiện sớm vì gần như các biểu hiện bệnh trong giai đoạn đầu rất khó nhận biết hoặc dễ bị nhầm lẫn như: khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân nhanh…, hoặc bệnh nhân có thể đến khám vì các biến chứng của bệnh như: nhồi máu cơ tim, mờ mắt, vết thương lâu lành….

Theo thống kê của Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ, hơn 60% trường hợp tiểu đường loại 2 không được chẩn đoán hoặc khi chẩn đoán thì đã có biến chứng.

CÁC XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN

http://www.dreamstime.com/-image22455704

Nếu kết quả xét nghiệm ≥126mg/dl (hay 7mmol/l) thì có thể bạn bị tiểu đường

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đặt câu hỏi liên quan đến triệu chứng, thói quen sinh hoạt (ăn uống, nghỉ ngơi, vận động) của bạn cũng như kiểm tra mức đường trong máu thông qua 1 hoặc 2 xét nghiệm cơ bản sau:

• Xét nghiệm đường máu khi đói: Xét nghiệm này dễ thực hiện, cho kết quả nhanh và chi phí thấp. Bạn sẽ được lấy mẫu máu tĩnh mạch vào buổi sáng trước khi ăn (nhịn đói qua đêm), nếu kết quả xét nghiệm này ≥126mg/dl (hay 7mmol/l) thì có thể bạn bị tiểu đường. Bạn cần làm lại xét nghiệm một lần nữa để xác định chẩn đoán.

• Xét nghiệm HbA1C: Với xét nghiệm này bạn không cần nhịn đói, tuy nhiên chi phí cao hơn. Nếu kết quả xét nghiệm ≥ 6.5% thì có thể bạn bị tiểu đường. Cũng giống như xét nghiệm đường máu khi đói, bạn cần làm lại xét nghiệm một lần nữa để xác định chẩn đoán.

Ngoài 2 xét nghiệm trên, còn có các xét nghiệm khác để chẩn đoán tiểu đường, tùy vào tình hình cụ thể, bác sĩ sẽ chọn lựa xét nghiệm phù hợp.

ĐIỀU TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Tiểu đường được xem là bệnh lý không thể đảo – ngược – hồi – phục hoàn toàn. Nghĩa là bệnh nhân tiểu đường cần điều trị suốt đời bằng cách tuân thủ các chế độ ăn uống, vận động thể lực và sử dụng thuốc nhằm đạt mục tiêu quan trọng nhất là: kiểm soát tốt lượng đường trong máu, các rối loạn đi kèm như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp… và phòng ngừa các biến chứng của tiểu đường.

Câu hỏi của nhiều bệnh nhân tiểu đường thường đặt ra với bác sĩ là: “Uống thuốc khoảng bao lâu thì hết bệnh?”. Vai trò của thuốc (dạng uống và chích) trong tiểu đường mang tính kiểm soát và ổn định mức đường trong máu nhiều hơn là điều trị dứt điểm.

Việc kê toa thuốc cho bệnh nhân tiểu đường vô cùng phức tạp, vì bác sĩ sẽ dựa trên rất nhiều yếu tố kế hợp như độ tuổi, tình trạng sức khỏe tại thời điểm khám, thời gian mắc bệnh, loại tiểu đường, có bệnh lý đi kèm (thận, tim, gan…) hay không và sẽ tầm soát các biến chứng cho bệnh nhân ngay tại thời điểm khám (nếu là tiểu đường loại 2), nhằm xác định có biến chứng chưa, nếu có thì biến chứng gì? Từ đấy, bác sĩ sẽ xác định mục tiêu điều trị và đưa ra toa thuốc phù hợp.

Ví dụ: Hai bệnh nhân tiểu đường loại 2 cùng 45 tuổi, nhưng bệnh nhân A có biến chứng thận thì sẽ bị giới hạn về toa thuốc (do có loại chống chỉ định) so với bệnh nhân B chưa có biến chứng thận. Vì vậy đối với tiểu đường việc xác định mục tiêu điều trị rất quan trọng và việc sử dụng chung toa thuốc là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường có biến chứng.

Sai lầm phổ biến nhất của bệnh nhân tiểu đường là chế độ ăn uống, đặc biệt là trái cây. Có bệnh nhân than phiền: “Tôi rất hạn chế đồ ngọt và mỗi bữa chỉ ăn một chén cơm mà đường máu vẫn cao”. Sau đó bác sĩ mới biết bệnh nhân có dùng “tráng miệng” nước bưởi ép hàng ngày. Các loại trái cây như: cam, bưởi, quýt,… chứa lượng đường cao, nhưng có vị chua nên đã đánh lừa tâm lý chúng ta. Bạn không nên bài trừ triệt để bất kỳ thực phẩm nào, mà cần dùng đa dạng và gia giảm số lượng theo tư vấn của bác sĩ.

Các loại nước ép trái cây cũng chứa lượng đường khá cao

Các loại nước ép trái cây vị chua cũng chứa lượng đường khá cao

PHÒNG NGỪA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

• Duy trì chỉ số BMI <23kg/m2

• Tăng cường vận động: đi bộ, bơi lội, cầu lông… ít nhất 30-45 phút/ngày, 5 ngày/tuần, tùy theo lứa tuổi

• Cân bằng chế độ ăn giữa các chất: đạm, đường, béo, rau củ quả, vitamin, khoáng chất

• Hạn chế rượu bia, ngưng hút thuốc lá

Bệnh tiểu đường là một bệnh diễn tiến, có quá trình điều trị phức tạp và kéo dài. Bệnh thường phát hiện muộn, có nhiều biến chứng. Vì vậy vấn đề quan trọng là phòng bệnh và phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, chưa có biến chứng thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cũng là một cách tầm soát sớm bệnh tiểu đường. Khi đã có bệnh thì nên khám và tư vấn bởi bác chuyên khoa Nội tiết vì bên cạnh việc kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, huyết áp… bác sĩ sẽ tầm soát các biến chứng và điều trị dự phòng các biến chứng nếu có.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua