Để tìm lời giải đáp cho những lý do đằng sau việc ung thư tái phát, nhóm các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu ung thư ở London do giáo sư Mel Greaves đứng đầu, cho biết các tế bào ung thư có thể “đi ngủ” để tránh tác động của hóa trị, và sau đó tích lũy các đột biến mới có khả năng thực hiện một cuộc tấn công nhiều năm sau đó. Biết được điều này, trong tương lai, khi hóa trị, các nhà khoa học sẽ “đánh thức” tế bào ung thư dậy để diệt tận gốc, giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Trước đó, viện cũng công bố một thành công mới trong việc điều trị ung thư. Cuộc thử nghiệm tiến hành trên các bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố ở da. Sau khi được điều trị bằng cách tiêm vi-rút gây bệnh mụn giộp biến đổi gien mang tên T-VEC, bệnh nhân đã cải thiện được tình trạng bệnh. Kết quả được công bố trên tạp chí Clinical Oncology cho thấy 163 bệnh nhân ung thư giai đoạn ba và những bệnh nhân có khối u ác tính ở đầu giai đoạn IV điều trị với vi-rút biến đổi gien T-VEC đã kéo dài được sự sống, trung bình là 41 tháng.
Đây là kết quả khả quan và là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc chống chọi với căn bệnh quái ác này. Theo giáo sư Kevin Harrington từ Viện nghiên cứu ung thư, liệu pháp điều trị bằng cách tiêm vi-rút T-VEC rất khả quan vì nó có thể tấn công các khối u theo hai hướng, tức là giết chết các tế bào ung thư và tăng hệ thống miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Cách điều trị tiêm vi-rút này cũng ít gây tác dụng phụ hơn so với các cách hóa trị truyền thống hoặc một số liệu pháp miễn dịch khác.
Liệu pháp sử dụng vi-rút biến đổi gien này cũng đang được nghiên cứu và xem xét trong điều trị các bệnh ung thư khác như ung thư bàng quang, ung thư gan…
Theo Tiếp Thị Gia Đình