Họa sỹ Dương Ái Nhi và những bức tranh của các em học sinh khiếm thị
Họa sỹ Dương Ái Nhi quay như chong chóng suốt cả buổi dạy học. Mệt nhưng cô trò ai nấy đều rất vui. Không ai nghĩ bộ môn nghệ thuật dành cho thị giác này lại do các em học sinh khiếm thị chinh phục. Họa sỹ đã có buổi trải lòng cùng chúng tôi về công việc ý nghĩa này.
VƯỢT QUA GIỚI HẠN
“Năm 1999, tôi có dịp gặp bà Elisabeth, một nữ họa sỹ người Thụy Điển, đang chuẩn bị tổ chức triển lãm tranh tại Việt Nam. Tôi giúp bà dịch tài liệu, viết lời phát biểu. Sau cuộc triển lãm, bà Elisabeth đề nghị tôi làm giáo viên cho lớp vẽ nằm trong dự án Nghệ thuật vượt thị giác mà bà đang thực hiện tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Tôi từ chối lời mời vì nghĩ hội họa là môn nghệ thuật của thị giác. Các em khiếm thị bẩm sinh sẽ không thể nào tái hiện cuộc sống xung quanh bằng hội họa. Nhưng mười mấy năm trôi qua, hình ảnh một nữ họa sỹ Thụy Điển đôi mắt đã không còn thấy ánh sáng vẫn miệt mài sang Việt Nam để thăm nom lớp học tại trường Nguyễn Đình Chiểu đã nhen lên trong tôi niềm xúc động. Tôi tự hỏi: “Tại sao một người nước ngoài bao nhiêu năm vẫn dành tình cảm đặc biệt cho các em học sinh khiếm thị Việt Nam? Là một họa sỹ, mình có thể làm được điều gì cho các em?”. Thế là năm 2011, tôi nhận lời bà Elisabeth về làm giáo viên dạy vẽ tại đây.
NHÌN BẰNG ĐÔI TAY, VẼ BẰNG CẢ TRÁI TIM
Để các em có thể vẽ, tôi hướng dẫn các em đặt giấy lên bảng lưới để vẽ những nét gồ. Các em lắng nghe cô miêu tả đồ vật, tay trái sờ lên những nét gồ đến đâu, tay phải vẽ đến đó, mũi thì ngửi mùi hương. Sau đó dựa vào những nét gồ lên, các em tô màu. Những ngày đầu, tranh của các em chỉ là những nét vẽ ngoằn ngoèo hoặc một tổ hợp hình khối rối rắm.
Có nhiều em lớn bẵng đi không thấy đến lớp. Tôi tìm đến thủ thỉ chuyện trò, hóa ra em băn khoăn: “Học vẽ để làm gì?”. Có em cứ hỏi mãi: “Cô ơi, tranh của con có xấu không?”. Những lúc như thế, tôi động viên: “Tranh của con không xấu, chỉ là con chưa vẽ xong thôi”.
Để chương trình giảng dạy thêm sinh động, những ngày nắng đẹp, tôi cho các em học vẽ kết hợp làm thủ công. Lũ trẻ thích thú vô cùng khi tha hồ tự tay bóc băng dính, vầy vò hồ dán, keo sữa, cắt ghép những mẩu chai lọ lỉnh kỉnh thành siêu nhân, ngôi nhà… theo cách mà các em tưởng tượng. Chủ đề lũ trẻ yêu thích là chân dung bạn bè, gia đình, thầy cô và chân dung tự họa. Cặp mắt thật khép lại thì cặp mắt tâm hồn mở ra. Trí tưởng tượng của các em cực kỳ phong phú. Em không biết cảnh em vẽ có giống đời thực không, nhưng những lúc vẽ tranh, tôi chỉ thấy nụ cười em luôn nở trên môi. Cũng phải đi qua hai mùa hè, những bức tranh đầu tiên mới được hoàn thành trong niềm sung sướng. Bức tranh khắc lại những niềm vui, những ước mơ và thể hiện cả những thứ em đang thiệt thòi. Tôi chảy nước mắt khi nhìn em Việt mồ côi mẹ bỗng chùng xuống khi có người nhắc đến mẹ. Em vẽ mẹ rất đẹp vì em đã vẽ bằng cả trái tim.
Hạn chế của trẻ khiếm thị là không có khái niệm về màu sắc, nhưng chính điều này đã giúp các em được tự do bay bổng trong cách tô màu. Và những cái méo mó, ngây ngô ấy đã khiến bức tranh của em trở nên đặc biệt. Đợt triển lãm tranh về những chiếc lá mùa đông Hà Nội tổ chức đầu năm 2015, nhiều họa sỹ đã đứng lặng rất lâu trước hàng trăm bức tranh vẽ lá của các em.
Tôi còn muốn tạo cơ hội cho các em thử sức với phù điêu, tranh ghép, tranh khắc… vì tôi tin khả năng của các em khiếm thị là không có giới hạn”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình