Từ cái kẹp tóc đầu tiên ấy, sau 20 năm, anh đã trở thành chủ cửa hàng Vi Lâm với hàng trăm sản phẩm từ xơ mướp.
BỀN NHƯ XƠ MƯỚP
Ít có nguyên liệu nào bền như xơ mướp. Các vật dụng bằng xơ mướp có độ bền chắc và rất dễ bảo quản. Túi xách bằng xơ mướp sử dụng lâu dài không hề bị rách hay sờn như các sản phẩm bằng da, vải.
“Sản phẩm từ xơ mướp có thể đáp ứng đa dạng cho người tiêu dùng, từ các sản phẩm dùng trong nhà tắm, trang trí phòng khách đến làm đẹp đều có. Có nhiều người khá bất ngờ trước công dụng của xơ mướp hoặc không biết xơ mướp là gì. Họ đắn đo không biết nó có bền không, mình có bị lạc hậu về thời trang nếu dùng hay không. Thế nhưng một khi đã hiểu về nó, chạm vào nó, nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước đều thích thú và chọn mua không hề mặc cả”, anh Nhân tâm sự.
Có lẽ chính vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế của xơ mướp đã tạo cho anh tình yêu “bền như xơ mướp” với các sản phẩm này. “Ban đầu mình còn đi buôn gỗ. Có một lần mình chở vợ đi mua túi xách, thấy không vừa ý nên về tự làm một cái túi bằng xơ mướp tặng vợ. Vợ khuyến khích động viên nên mình quyết định theo nghề. Càng ngày mình càng nhìn thấy những giá trị kinh tế mà xơ mướp đem lại. Nếu giải quyết tốt đầu ra sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, Nhân chia sẻ.
CẦN NHIỀU SÁNG TẠO
Để làm sản phẩm xơ mướp, đầu tiên bạn phải mua xơ mướp thô từ người nông dân ở Củ Chi, Long An… (khoảng 5.000–10.000 đồng/cái) rồi giặt, phơi khô, cắt ra, ép thành miếng (có thể kết hợp với keo để định dạng). Khi nhuộm màu, phải dùng màu thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau đó, tùy theo sản phẩm mà cắt, may hay đính phụ kiện cho phù hợp.
“Làm sản phẩm bằng xơ mướp khó hơn các vật liệu khác vì không có công nghệ sẵn, mình là người tiên phong nên phải tìm tòi, sáng tạo”, anh Nhân cho biết.
Năm 2014, vợ chồng anh Nhân đã hoàn thành chiếc lồng đèn xơ mướp đạt kỷ lục Việt Nam. Lồng đèn hình trụ, cao 9m, đường kính 1m, có bản đồ Việt Nam trải dài suốt chiều dài lồng đèn. Để hoàn thành chiếc lồng đèn, anh phải sử dụng 1.000 cái xơ mướp, làm từng miếng và ghép lại trong 10 ngày.
Sắp tới, bên cạnh việc đẩy mạnh thiết kế sản phẩm miếng dán tường bằng xơ mướp, anh sẽ làm một bức tranh bằng xơ mướp chủ đề mùa xuân cao 3m, ngang 5m để bán đấu giá cùng lồng đèn, góp một phần tiền ủng hộ quỹ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Khi được hỏi về việc mở lớp dạy nghề, Nhân trầm ngâm: “Mình quyết tâm làm nghề này vì nhìn thấy tương lai sáng cho nó. Người nông dân sẽ có lợi rất lớn, có thể tạo thêm thu nhập cho nhiều người. Một mình mình thì hơi khó và cần nhiều thời gian. Nếu có thêm sự hỗ trợ của nhà nước, nhà tài trợ sẽ nhanh hơn. Mình đang cố gắng xây dựng dự án cụ thể để kêu gọi nhà đầu tư, phát triển hơn nữa đầu ra nhằm tạo thị trường ổn định cho bạn nào muốn theo nghề”.
THÔNG TIN THÊM
Dự kiến trong tương lai, khi đã chuẩn bị đầu ra tốt, Nhân sẽ mở lớp dạy nghề, có thể dạy miễn phí cho người khuyết tật để họ kiếm thêm thu nhập. Nếu muốn tìm hiểu, học nghề hoặc muốn tự làm vật dụng bằng xơ mướp tặng bạn bè, bạn có thể liên hệ: Cửa hàng Vi Lâm, 41 TA06, P. Thới An, Q. 12, TP. HCM.
Theo Tiếp Thị Gia Đình