Đường trắng có thể được “phù phép” thành đường vàng bằng a xít. Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: insights.ingredientsnetwork
Trong hai ngày 17 và 18−5 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã bắt quả tang hai cơ sở cho hóa chất vào thực phẩm là cơ sở chế biến măng của bà Dương Thị Lập (ngụ xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) và một cơ sở dùng a xít biến đường trắng thành đường vàng của bà Lý Lệ Châu (ngụ KP. 6, P. Đức Long, TP. Phan Thiết). Ngày 20−5, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận) đã quyết định xử phạt hành chính hai cơ sở trên với mức phạt lần lượt 40 triệu đồng và 30 triệu đồng.
Hành vi đầu độc hàng loạt: Cần xử lý nghiêm hơn?
Theo luật sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn luật sư TP. HCM), nếu chỉ xử phạt hành chính đối với những trường hợp cố tình dùng hóa chất độc hại cho vào thực phẩm là quá nhẹ bởi nếu như kết quả xét nghiệm thực phẩm có hàm lượng chất độc vượt ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người thì đã đủ cơ sở xử lý hình sự.
Tương tự, luật sư Hồ Mai Huy (Đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, hành vi bỏ hóa chất độc hại vào thực phẩm gây ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người là này đã vi phạm vào điều 157 bộ luật Hình sự về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” và thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều khoản này, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Cũng theo luật sư Huy, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc bỏ hóa chất độc hại vào thực phẩm nhằm thu lợi bất chính diễn ra quá nhiều, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết triệt để tình trạng này, nếu không thì hậu quả xã hội sẽ vô cùng lớn.
Tổng hợp