Nguyễn Thị Hân: “Bà mối” của mây và gốm

Ý tưởng kết hợp mây và gốm đã đưa tay nghề mây tre đan của chị Nguyễn Thị Hân lên nấc thang mới. Say nghề và làm giàu là ước nguyện cả đời của vợ chồng nghệ nhân làng Phú Vinh này

 

20150504_guongthanhcong_mayvagom_nguyenthihan_1_1615

Căn nhà của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Hân – Hoàng Văn Hạnh (làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chất đầy túi xách, lọ hoa, khay đĩa… bằng mây tre đan. Góc phải gian nhà treo chi chít các loại bằng khen, giấy chứng nhận của anh chị.

YÊU NGHỀ CỦA CHỒNG

Từ nhỏ, anh Hạnh đã được cha truyền nghề mây tre đan. Cha anh, nghệ nhân Hoàng Văn Khu, đã chỉ cho con những thao tác đầu tiên của nghề. Lớn lên, anh học đan lát, lắp ráp sản phẩm… cứ thế, niềm đam mê với nghề ngấm vào anh như máu thịt.

“Năm 2001, tôi sang dạy nghề mây tre đan ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ và gặp Hân. Lúc đó, Hân vừa tròn 20 tuổi. Có lần, Hân đến nhà đúng lúc tôi đang làm mây tre đan. Tò mò, cô ấy đòi làm thử chiếc hoa cài trên giỏ mây. Sau khi nhìn tôi cuốn, Hân làm được ngay. Từ đó, Hân say mê và bén duyên với “thầy giáo” dạy nghề mây tre đan”, anh nhớ lại.

NHỮNG ĐÊM THỨC TRẮNG LÀM “BÀ MỐI”

Hân vào nghề rất nhanh. Bốn năm đầu, chị đan theo lối truyền thống như đan nong mốt, nong đôi, nong ba… Chị nhận thấy lối đan này rất cầu kỳ nhưng về tổng thể lại rối. Chị tự hỏi: “Làm sao để sản phẩm có điểm nhấn, thoáng theo lối hiện đại?”.

Năm 2005, trong một lần hai vợ chồng sang làng gốm Bát Tràng tham quan, chị Hân bị các bình gốm ở đây thôi miên. Tiếng “cạch” của đáy bình gốm khi chạm xuống mặt bàn khiến một ý nghĩ vụt qua đầu chị: “Mây có thể tạo độ êm ái. Gốm vốn thanh thoát, mây thì có thể uốn theo ý muốn. Sao không kết hợp chúng với nhau?”.

Trở về nhà, Hân thuyết phục chồng cho chị thực hiện một bộ sản phẩm kết hợp giữa mây và gốm. Ý tưởng của chị là bình gốm sẽ được chế tác làm hai phần. Phần trên tráng lớp men màu nâu pha vàng, phần dưới để nguyên lớp đất nung và chìm vào trong. Đây sẽ là nơi mây và gốm hội tụ, tùy theo kiểu dáng của bình mà chế tác.

20150504_guongthanhcong_mayvagom_1logo_1615

Tuy nhiên, dù ý tưởng hay nhưng nhiều gia đình làm gốm ở Bát Tràng đã “chào thua” đơn hàng của Hân bởi bình gốm theo ý tưởng của chị rất dễ bị vỡ, rạn nứt. Sau ba đợt gốm bị già, méo, nứt, ai cũng nản lòng. Mẻ hàng mẫu nào nứt, hỏng là vợ chồng chị phải trả phí, cả trăm triệu đồng bị mất trắng mà tìm đối tác như mò kim đáy bể. Không nản lòng, chị chạy xe máy sang làng Bát Tràng, dành hẳn ba tháng ròng đi mòn gối cả làng để tìm người thực hiện. Cuối cùng, mẻ gốm đầu tiên đã ra lò. Gốm xong là coi như thành công 70%, việc cuốn mây là sở trường của vợ chồng chị.

Lúc ấy, anh chị có con nhỏ, ban ngày không làm được nhiều nên cả hai thức đêm để thực hiện bộ sản phẩm. Mỗi chiếc bình gốm có các cách đan quấn mây khác nhau. Bình nhỏ được cuốn bằng những sợi mây đường kính 2mm. Cứ một sợi màu nâu lại xen kẽ một sợi màu trắng cuốn chìm bên dưới. Sau khi cuốn xong, sợi mây được chà lại bằng giấy ráp cho bề mặt thật mịn. Bình to kết hợp với những sợi mây đường kính khoảng 5mm, dễ uốn nhưng cần lực siết mạnh. Vì thế đôi tay chị không biết bao nhiêu lần bị mây cứa đến chảy máu, vết đứt này chưa lên da non lại tới vết đứt khác.

Miệt mài trong bốn tháng, cuối cùng bộ sản phẩm 49 bình gốm đan mây cũng hoàn tất. Chị chọn ba chiếc bình đẹp nhất tham gia Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2005 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức. Trong cuộc thi năm ấy, bộ ba bình gốm đan mây của vợ chồng chị đoạt giải nhất. Đây cũng là lần đầu tiên các bình gốm sứ trang trí bằng mây ra mắt thị trường. Từ đó, sản phẩm gốm đan mây được thị trường trong và ngoài nước chú ý. Lần đầu tiên nhận được đơn hàng 14.000 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vợ chồng chị vỡ òa vì hạnh phúc.

KHÓ KHĂN KHÔNG NẢN

Tuổi nghề còn trẻ, chưa có kinh nghiệm quản lý nên đơn hàng lớn đó lại gần như không có lãi. “Để đảm bảo tiến độ giao hàng, tôi thuê người làm trong vòng bốn tháng. Thế nhưng gốm về lúc thì dồn dập, lúc thì rất ít, không có việc nhưng vẫn phải trả công cho thợ. Đau lòng nhất là khâu bảo quản chưa tốt nên bị vỡ, mẻ hàng nghìn sản phẩm nên sau khi thanh toán chi phí, kết quả lãi giả nhưng lỗ thật. Vấp ngã đó đã cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý sau này”, chị bộc bạch.

Một hôm, chị Hân nhìn thấy vỏ mây chất đống nơi xó nhà. Thử vê những mảnh vỏ nhỏ thành hình tròn rồi dùng keo sữa chuyên  dụng kết chúng lại, chị chợt nhận ra những thứ bỏ đi có thể làm thành đồ trang trí. Từ ý tưởng đó, bộ ba chiếc đèn tròn kết bằng quả bông ra đời. Chị mang chúng tham gia triển lãm Thiết kế mẫu và sản phẩm mây, tre năm 2011. Với giải nhì từ cuộc triển lãm này, nhiều khách sạn, quán cà-phê đã biết đến và đặt hàng vợ chồng chị kết đèn mây để trang trí phòng ốc. Chị Hân được công nhận là nghệ nhân trẻ của làng nghề Phú Vinh.

Gần 15 năm với nghề, đi lên từ hai bàn tay trắng, chị vẫn còn ấp ủ nhiều dự định trong tương lai, ví dụ mở một cửa hàng trên phố cổ để các sản phẩm có chỗ đứng vững chắc hơn. Và chị tin, bằng niềm đam mê, tương lai ấy đang đến thật gần.

20150504_guongthanhcong_mayvagom_1615

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

√ Chị Nguyễn Thị Hân, sinh năm 1981. Anh Hoàng Văn Hạnh, sinh năm 1967. Cả hai đều là nghệ nhân của làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh. Anh phụ trách phần tìm nguyên liệu, lên khung, sườn. Chị phụ trách đan những mũi đan đòi hỏi sự tinh tế và lắp ráp hoàn thiện.

√ Hiện cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh của vợ chồng chị luôn có 30 nhân công làm việc thường xuyên. Chị Hân cho biết, mấy tháng đầu năm thường việc không có nhiều. Từ tháng Tư trở đi, các đơn hàng bắt đầu gửi đến tấp nập. Anh chị đã sang một số nước bạn như Singapore, Thái Lan, Lào để học hỏi lối đan mới và cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.

√ Để có mây bền, đẹp không bị mối mọt, không bị mất màu tự nhiên, vợ chồng chị còn tạo màu bằng nước lá sòi, lá bàng, lá then đen và rơm rạ chứ không dùng hóa chất và màu công nghiệp.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua