Ngày của mẹ ở Việt Nam, bạn có quan tâm?

Dù đã du nhập vào Việt Nam mấy năm gần đây nhưng Ngày của mẹ ở Việt Nam dường như còn mờ nhạt. Còn bạn có biết và quan tâm đến Ngày của mẹ không?

Nếu đến Mỹ vào đúng Ngày của mẹ, bạn sẽ thấy những hình ảnh hết sức dễ thương. Hoa được bày bán tràn ngập và các gia đình thường đưa nhau đi ăn nhà hàng, trò chuyện vui vẻ. Con cái có thể tặng quà cho mẹ hoặc không, tùy điều kiện nhưng luôn có thiệp chúc mừng và hoa. Còn ở Việt Nam thì sao? TTGĐ đã đặt câu hỏi về Ngày của mẹ ở Việt Nam với một số chị em, câu trả lời nhìn chung không mấy nồng nhiệt.

Chị Huỳnh An Nhiên, kinh doanh ở TP. HCM, cho biết: “Nhờ tiếp xúc nhiều với Internet, truyền thông nên tôi biết đến Ngày của mẹ. Rất nhiều người nhầm tưởng Ngày của mẹ là 8–3 hoặc 20–10. Năm ngoái, khi tôi gọi điện về quê chúc mừng mẹ, mẹ ngạc nhiên hỏi: “Mồng 8–3 qua lâu rồi mà con, còn chúc mừng gì nữa” (cười). Vì ngày này không phổ biến, lại không được mẹ đón nhận nồng nhiệt nên dù biết tôi cũng ít quan tâm. Bên cạnh đó, do không có ngày chính xác mà chỉ tính là Chủ nhật thứ hai của tháng 5 nên với người bận rộn, chuyện quên cũng hay xảy ra”.

Ngày của mẹ ở Việt Nam:

Đa số những người được hỏi về Ngày của mẹ ở Việt Nam có chung suy nghĩ: “Với tôi, ngày nào cũng là ngày của mẹ. Tôi quan niệm, báo hiếu với mẹ, quan tâm tới mẹ là chuyện nên làm mỗi ngày. Không phải chờ đến Ngày của mẹ để tỏ lòng biết ơn, hiếu kính”.

ngay cua me o viet nam hinh anh 1

HẠNH PHÚC CỦA MẸ

Khi được hỏi điều gì khiến bạn hạnh phúc nhất, hầu hết các bà mẹ đều nói rằng đó là khi con cái và gia đình mạnh khỏe, thành đạt. Bên cạnh tấm lòng sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con cái, gia đình, thẳm sâu trong tận đáy lòng, các bà mẹ đều có những ước mong riêng mà ít ai thổ lộ.

Cô Phạm Thị Ngọc Mai, Q. Gò Vấp, TP. HCM, kể về lần đầu cô biết đến Ngày của mẹ: “Con tôi học cao học ở Mỹ và tháng 5−2003 là lần đầu tiên tôi sang Mỹ thăm con. Hôm đó, con gái mời tôi cùng mẹ nuôi đến nhà hàng. Đi với chúng tôi còn có hai người con nuôi khác của người nhận nuôi con tôi. Bước vào nhà hàng, tôi ấn tượng với hình ảnh hàng trăm bông hồng kết thành hình trái tim lớn đặt ở lối đón khách. Nhà hàng hôm ấy đông kín và bàn nào cũng là gia đình cùng ăn uống vui vẻ. Món ăn vừa được dọn ra, ba đứa con gái cùng đứng lên chúc mừng Ngày của mẹ, nói lời yêu thương, ôm hôn và tặng quà cho tôi cùng mẹ nuôi. Tôi ôm chặt lấy con gái và tôi khóc, khóc vì cảm động, vì con đã hiểu lòng tôi. Hơn 50 tuổi đời, tôi chưa có bữa ăn nào ngon như bữa ăn hôm đó”.

Cô Mai cười: “Món quà con tặng là một chiếc khăn choàng và tấm bưu thiếp tự tay con viết “Con yêu mẹ”. Tấm bưu thiếp tôi đặt ngay bàn trang điểm để ngày nào tôi cũng nhìn thấy nét chữ thương yêu của con gái. Chiếc khăn con tặng là chiếc khăn tôi sử dụng nhiều nhất và cất giữ kỹ nhất”.

5 năm sau, cô Mai sang thăm con gái lần nữa cũng đúng vào dịp Ngày của mẹ. Lúc này, con gái cô đã có gia đình. “Ngày đó, con gái tôi đưa tôi và mẹ chồng đi mua sắm. Khi chúng tôi về đến nhà, trước mặt là một bàn tiệc đầy những món ăn. Trong bếp, ông sui gia cầm sách nấu ăn đọc công thức và con rể tôi thực hành đánh bột, đánh trứng… Chợt hiểu ra mọi chuyện, ba người phụ nữ cười ngặt nghẽo”, cô kể.

Chị Thái Hải Ân, quê ở Thái Bình, sống cùng gia đình chồng ở TP. HCM. Chị cho biết: “Nhà tôi có truyền thống tụ tập ăn uống trong Ngày của mẹ từ cách đây ba năm. Trong ngày đó, cả nhà sẽ vào bếp để nấu ăn và nhất định không quên món bánh khọt mà mẹ rất thích. Có lẽ vì tôi quan tâm đến bà nên tôi được bà cưng chiều chẳng kém gì con gái. Mẹ nhớ sinh nhật của tôi, nhớ ngày cưới của hai con và mỗi dịp đó, mẹ đều tặng quà cho tôi”.

NGÀY DÀNH RIÊNG CHO MẸ

Cô Mai khẳng định: “Không có mẹ nào đòi hỏi con phải tặng quà hay nói cảm ơn vì tình yêu mẹ cho con là vô điều kiện. Tuy nhiên, khi tình thương của mình được đáp lại dù chỉ là một bông hoa, một bữa ăn hay tấm thiệp chúc mừng, chắc chắn người mẹ nào cũng cảm thấy rất đỗi thiêng liêng, tự hào, hãnh diện. Sự quan tâm của con cái chẳng khác gì thuốc trường sinh… để những người mẹ như tôi sống thọ thêm vài tuổi nữa”.

Tiến sỹ Xã hội học Trương Hoàng Trương, chủ nhiệm bộ môn Dự án đô thị, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, nhận định: “Thời còn ở Pháp, tôi thấy ngày này, con cái thường gác mọi việc về thăm cha mẹ hoặc gọi điện thăm hỏi và chúc mừng mẹ. Ngày của mẹ là dịp con cái thể hiện tình thương đối với mẹ của mình, là dịp gia đình quây quần bên nhau. Nó không chỉ làm mẹ hạnh phúc mà bạn cũng vui lây. Chúng ta đang sống trong môi trường hội nhập và toàn cầu hóa, việc học tập và phổ biến Ngày của mẹ cũng là việc tốt”.

Ngày của mẹ ở Việt Nam: quạn có nhớ đến mẹ không?

Chuyên gia tâm lý Đặng Phương, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật tại TP. HCM, lý giải: “Mặc dù Việt Nam đã có ngày 8–3 và 20–10 nhưng đó là ngày chung dành cho phụ nữ. Với sự hy sinh vô bờ bến, mẹ của chúng ta xứng đáng có một ngày dành riêng cho mình. Bạn có thấy, khi có công việc riêng, đặc biệt là khi có gia đình, con nhỏ… bạn đã lãng quên mẹ hay không? Có phải cả tuần qua, bạn bận rộn đến nỗi chưa có lúc nào thinh lặng để nghĩ về mẹ hay gọi điện cho mẹ?

Ngày của mẹ ở Việt Nam không chỉ thêm một cơ hội cho người con thể hiện tình cảm với mẹ mà còn là lời nhắc, kéo chúng ta thoát khỏi guồng quay công việc để nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ. Với mẹ, đôi khi chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi thăm cũng là cách chăm sóc tinh thần để mẹ an vui. Người có điều kiện có thể về thăm mẹ, tặng quà cho mẹ, mời mẹ đi chơi… thì càng tuyệt vời hơn. Dù lựa chọn thế nào, mục đích chính trong Ngày của mẹ là hãy nói cho mẹ biết bạn yêu mẹ bao nhiêu và mẹ quan trọng trong cuộc sống của bạn như thế nào, điều mà bất cứ người mẹ nào cũng muốn nghe và cảm thấy vô cùng thiêng liêng, hạnh phúc”.

ngay cua me o viet nam hinh anh 2Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua