Những người làm hồi sinh dòng kênh Nhiêu Lộc − Thị Nghè

Trước những nỗ lực của họ để trả lại cho người dân Sài Gòn dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong xanh, chúng ta không thể thờ ơ và vô tâm

Buổi sáng, tôi có mặt ở công trường của đội vớt rác trên kênh thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. HCM lúc 8 giờ 30. Hơn 10 anh công nhân mặc áo phao, đội mũ tai bèo đang mỗi người một việc. Một nhóm xuống tàu đi vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè. Một nhóm đang cẩu rác từ tàu lên trên bờ. Một nhóm khác đang đẩy những thùng rác nặng nề lên xe ép rác để về nơi xử lý.

Con đường Trường Sa thoáng đãng và mát mẻ nhưng mồ hôi đã đầm đìa trên những gương mặt sạm đen vì nắng. Đội trưởng Phan Học Hải cười bảo: “Anh em làm việc từ 6 giờ sáng nên giờ đã có xe rác thứ hai lăn bánh về bãi tập kết rồi”.

30 PHÚT THEO HÀNH TRÌNH VỚT RÁC

Tôi lên chiếc tàu lớn do đội phó Trương Phi Long cầm lái. Anh Hải chỉ dòng kênh trong xanh, bảo: “Trước đây dòng kênh này hôi hám, nước đen thui và đầy rác nên anh em không thể thong thả hít thở không khí như lúc này đâu. Từ lúc thành lập năm 2012 đến nay, ngày nào hơn 30 công nhân cũng làm việc từ 6 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, cặm cụi vớt rác.

Lúc đầu, phương tiện của anh em chỉ có tàu, chiếc vợt và bồ cào để vớt rác thủ công nên dù anh em làm việc cật lực thì rác vẫn trôi nổi khắp nơi. Cách đây một năm, anh em trong đội đã sáng tạo ra dụng cụ bắt rác giúp cho công việc nhẹ nhàng hơn. Đó là một dụng cụ lùa rác vào túi lưới gắn ở hai bên mạn tàu. Giờ anh em chỉ việc lái tàu đi dọc kênh và khi rác đầy sẽ cẩu lên, trút vào thùng”.

Đến gần khu vực cầu Công Lý, đang chỗ nhiều rác, anh Long bỗng bất ngờ quẹo tay lái sang hướng khác. Thấy vẻ khó hiểu của tôi, anh Long giải thích: “Cứ thấy người câu cá là tụi anh phải tránh xa để không vướng vào dây câu của họ. Cuối tuần, người câu cá xung quanh bờ kênh rất đông, anh em cứ phải né tránh vất vả. Rất nhiều lần anh em cuốn phải dây câu liền bị họ phản ứng dữ dội. Nhẹ thì chửi bới, nặng thì ném đất, ném đá…”.

Chưa tới 30 phút, hai túi lưới chứa được 80–100kg rác đã đầy ứ. Anh Long cho tàu dừng lại rồi cẩu túi rác lên.

Anh Hải nói vui: “Hôm nay em chỉ thấy rác nhẹ nhàng thôi đấy. Nhiều hôm anh em vớt được cả giường, nệm mút, ghế sa-lông… thấm nước nặng thêm gấp vài lần. Anh em chỉ còn cách móc những loại rác khổng lồ này vào cần cẩu, dùng tàu kéo về điểm tập kết. Tuy nhiên, vớt rác khổng lồ cũng còn may mắn so với việc vớt được chú chó béc giê đã bị phân hủy. Hôm nào vớt được xác động vật thì coi như bỏ bữa”.

20150423_TD_TT1515_VotRac_01

Hàng ngày có 6−7 tấn rác được đội vớt khỏi dòng kênh

Chiếc tàu của chúng tôi chui trót lọt qua vài gầm cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc. Anh Long giải thích: “Nước lớn chừng này mới vừa để đi vớt rác, nước lớn quá hay cạn quá đều không được. Nghề vớt rác trên kênh của anh em vì vậy khác hẳn các nghề khác: Phụ thuộc vào con nước nên không chủ động về thời gian”.

Anh Nguyễn Trí Hùng góp lời: “Có những hôm 9 giờ sáng đã phải nghỉ ăn cơm trưa do thủy triều lên cao quá hay xuống cạn quá. Sau khi ăn xong, nếu nước “đạt chuẩn” thì anh em lại phải đi làm xuyên trưa. Đến khoảng 13–14 giờ mới bước lên khỏi tàu”.

CÁC “CHIẾN LỢI PHẨM” BẤT NGỜ

Anh Nguyễn Xuân Sơn kể, lúc đó khoảng 9 giờ 30 tối 20 Tết, anh đang trực đêm ở công trường thì người dân đến báo có cô gái trẻ nhảy cầu tự tử vì giận người yêu. Khoác vội áo phao lên người, anh lái ca nô với tốc độ nhanh nhất chạy ra khu vực cầu Kiệu. Hôm ấy nước lớn, trời tối om, anh rọi đèn khắp nơi và thấy đầu cô gái nhấp nhô trên mặt nước. Thật may vì cô gái chưa bị thủy thần cướp đi sinh mạng. Anh Sơn vội lái ca nô tấp vào vị trí của cô gái, kéo cô lên tàu, đưa quần áo cho cô mặc, sau đó bàn giao lại cho công an phường 2, Q. Phú Nhuận, TP. HCM.

Trong đội, anh Sơn có kỳ tích cứu được người nhiều nhất. Ba năm gắn bó với nghề, anh đã cứu ba người.

Anh Hùng cũng cứu sống được một người đàn ông. Anh nhớ lại: “Ông ấy rất khổng lồ. Người lực lưỡng như tôi không thể kéo lên nổi, phải huy động thêm hai người nữa, cố hết sức mới vớt được ông ấy lên tàu”.

Đội còn thường vớt được ba lô, túi xách có chứa chứng minh nhân dân, thẻ ATM và các loại thẻ khác. Tổ trưởng Trần Thanh Điền cho biết: “Có ngày, anh em trong đội vớt được đến ba chiếc túi xách do bọn cướp lấy tài sản rồi quăng xuống sông. Lượm ra khỏi đống rác, chúng tôi bắt đầu lần mò những thông tin trên giấy tờ để tìm chủ nhân bị mất trộm, trả lại giấy tờ cho họ. Do không tìm được thông tin nên bây giờ đội của tôi còn giữ rất nhiều thẻ, chứng minh nhân dân. Nếu ai chẳng may bị cướp giật, cần tìm lại giấy tờ, có thể liên hệ với anh em trong đội”.

Một “chiến lợi phẩm” không mong đợi nữa là xác người trôi sông. Anh Hùng kể về lần đầu gặp xác nổi trên sông: “Hôm đó, tôi đang đi vớt rác thì bỗng thấy một cái xác bật lên, khỏi phải nói là tôi đã đứng hình và dựng tóc gáy như thế nào. Rất nhiều đêm sau, khi ngủ tôi vẫn còn giật mình hoảng sợ. Về sau, mỗi lần chân vịt của tàu vướng phải thứ gì không di chuyển được, phải nhảy xuống nước để kiểm tra là tôi lại rùng mình ớn lạnh, chỉ sợ…”.

Đến nay, đội đã vớt 9–10 người đuối nước. Mỗi lần, các anh đều lấy hết can đảm cột xác vào bờ rồi gọi công an đến xử lý để “những linh hồn kém may mắn sớm được an nghỉ”.

NHỮNG NIỀM VUI NHO NHỎ

“Mấy năm trước, chẳng ai muốn đi qua con đường bên cạnh dòng kênh này. Bây giờ, hai bên dòng kênh là công viên, bà con quanh khu vực này thường đi tập thể dục và hóng gió mỗi ngày. Đi dưới kênh, thấy bà con vươn vai hít thở sảng khoái, tự nhiên mình cũng thấy khỏe lây”, anh Sơn hồ hởi.

Niềm vui nhân lên khi đội đón nhận được sự trân trọng và thấu hiểu của người dân sống quanh bờ kênh. Anh Sơn kể: “Có hôm, tôi đang đi vớt rác trên sông thì một bác lớn tuổi đứng trên bờ ra sức vời tôi tấp vào bờ. Bác dúi vào tay tôi 100.000 đồng và bảo: “Các anh vất vả quá. Tôi biếu các anh uống nước. Cám ơn các anh đã vất vả”. Tôi không nhận nhưng bác cứ dúi vào tay rồi đi mất”.

Anh Điền thì ấn tượng với những ngày đầu năm 2015 trực tại cơ quan: “Hôm mồng 3 Tết, anh em chúng tôi đang trực ở trạm thì một phụ nữ tấp xe vào. Cô ấy rút ra tiền 10.000 đồng lì xì cho tất cả các anh em. Hôm sau, cô ấy lại quay lại và tiếp tục lì xì. Mặc dù tiền không nhiều nhưng với chúng tôi, đó là sự quý mến và trân trọng của người dân với cái nghề này nên vô cùng quý giá”.

Mới đây nhất, anh Dũng vừa ở Bình Chánh lên đến cơ quan thì một cô xách vài chục ổ bánh mì vào bảo: “Tôi biếu các anh ăn sáng để có sức làm việc”.

Niềm vui lớn nhất của các anh là ý thức của người dân sống quanh khu vực kênh ngày càng cao: “Chứng kiến nỗi vất vả của anh em, hầu hết người dân sống hai bên bờ kênh không bao giờ vứt rác xuống sông. Phần rác sinh hoạt chủ yếu là từ khu vực kênh Bùi Hữu Nghĩa, do những nhà sàn sống trên sông thải ra, trôi về đây. Bên cạnh đó là rác do người đi đường hoặc hóng mát trên cầu ném xuống. Nếu giải quyết được hai nguồn rác thải này thì anh em chúng tôi sẽ đỡ cực hơn rất nhiều”, anh Long nói.

Anh Hải nhắn nhủ: “Nếu báo đài truyền thông giúp để người dân không đi câu dọc kênh nữa thì công việc của đội cũng sẽ thuận lợi hơn”.

SONY DSC

Dòng kênh trong xanh hơn nhờ nỗ lực mỗi ngày của đội

BẠN CÓ BIẾT?

− Mỗi tuần, mỗi thành viên đội được nghỉ một ngày (luân phiên), riêng dịp Tết được nghỉ ngày mồng 1, mồng 2. “Tuần nào tôi cũng mong ngày nghỉ rơi vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật vì khi đó mình mới được vui chơi cùng các con. Nếu ngày nghỉ rơi vào giữa tuần, tôi chỉ còn cách nằm ở nhà một mình và xem ti-vi, chờ đến tối vợ, con mới về. Hai con của tôi hầu như chẳng được ba dẫn đi chơi ngày cuối tuần”, anh Sơn chia sẻ.− Trung bình mỗi ngày, đội vớt được 6–7 tấn rác. Khoảng đầu tháng 12 đến tháng 3 Âm lịch, gió biển thổi rác vào nhiều, gom đến 17 tấn/ngày.− Thu nhập trung bình của các anh chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

− Mỗi năm, các anh được đi khám sức khỏe tổng quát. Hàng tháng, mỗi anh được phụ cấp độc hại theo tiêu chuẩn của Nhà nước.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua