Kể từ ngày 22−4 các doanh nghiệp phải giảm giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 0,4 − 4%, do phải tách chi phí quảng cáo giá sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi ra khỏi giá thành. Tuy nhiên, giá bán lẻ tại các cửa hàng giảm rất nhỏ giọt, chỉ xoay quanh mức 0,4−1%, tức một hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng chỉ giảm hơn 1.000 đồng.
Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chi phí quảng cáo chiếm khoảng 20% giá thành, nên khi loại bỏ chi phí này, mức giảm giá sữa tối đa tới 4% vẫn còn chưa tương xứng. Mặt khác, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm bán trong nước không giảm.
Theo dự báo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem, bột whey có xu hướng giảm bình quân khoảng 5,8% trong năm 2015. Giá bán lẻ sữa cho trẻ em tại một số nước trong khu vực thấp hơn sản phẩm tương tự tại Việt Nam. Theo số liệu được Vụ Kinh tế tổng hợp Bộ Ngoại giao cung cấp, giá bán bình quân sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khối ASEAN. Cụ thể, 1kg sữa bán trong nước là 16 USD, trong khi bán tại Thái Lan là 14 USD, còn Philippines là 12 USD, Malaysia là 10 USD và Indonesia là 9,5 USD.
LOẠN GIÁ, LOẠN NHÃN HIỆU
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, một khó khăn lớn hiện nay đối với cơ quan này là việc kiểm soát yếu tố hình thành giá để xác định các mức tăng, giảm giá của doanh nghiệp có phù hợp không. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng vẫn quen gọi các mặt hàng này là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng nếu gọi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không còn sản phẩm sữa mà chỉ có sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, Tổng cục Hải quan vẫn phân loại theo tiêu chuẩn HS (tiêu chuẩn hải quan thế giới), vẫn có cả mã số áp cho sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng.
Không chuẩn hóa được tên gọi sản phẩm nên bộ cứ vừa áp trần giá bán buôn sản phẩm này, buộc kê khai giá sản phẩm kia thì ngay lập tức, vài ngày sau trên thị trường lại đẻ ra một loạt các sản phẩm mới hoàn toàn không có tên trong danh mục sản phẩm bình ổn giá. Do đó, Bộ Y tế cần phải có quy định làm rõ tên gọi, thành phần từng loại sản phẩm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt, phải có hướng dẫn và tư vấn từng loại cho người tiêu dùng. Như vậy, mới khắc phục được tình trạng loạn sản phẩm, loạn giá sữa như hiện nay.
Tổng hợp