Đỗ Anh Thư: Tự làm mỹ phẩm từ gian bếp

Thích mỹ phẩm từ bé, nhưng chính Đỗ Anh Thư cũng không ngờ rằng có một ngày tự tay làm được những thỏi son, lọ nước hoa... và trở thành bà chủ kinh doanh mỹ phẩm handmade

Đỗ Anh Thư trước mặt tôi khá trẻ dù đã là mẹ của bé gái 3 tuổi. Kể về sự “bén duyên” của mình với mỹ phẩm handmade, Thư bảo: “Năm lớp tám, một người bạn của tôi có thỏi son dưỡng của Bonne Bell mùi “cotton candy” với màu hồng nhạt rất đẹp, giá khoảng 2 đô-la Mỹ. Tôi rất thích nhưng không có tiền mua”.

GIẤC MƠ BONNE BELL

“Thật kỳ lạ là sau đó, tôi đã trải qua một giấc mơ khiến tôi ngẩn ngơ suốt mấy ngày. Tôi mặc một chiếc váy công chúa màu trắng bồng bềnh, lạc trong một khu rừng có nhiều cây thẳng tắp và cao vút. Tôi ngước nhìn lên những tán cây, một luồng gió xuyên qua khiến hàng nghìn chiếc lá xanh rụng xuống. Trước khi chạm đất, chúng xoay tròn như những vũ công. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình đang ở trong một thỏi son trong suốt, màu vàng nhạt, với hàng nghìn hạt li ti màu xanh chuyển động vòng tròn”, Thư kể.

Sau giấc mơ đó, Anh Thư nghĩ đến chuyện để dành tiền tiêu vặt chỉ để mua son. “Đến năm lớp chín, tôi đã sưu tập được 52 sản phẩm son dưỡng và son màu, phần lớn của hãng Bonne Bell. Mỗi ngày đi học về, tôi lại mở chúng ra ngắm nghía, ngửi, rồi thoa lên môi. Tôi cất chúng trong chiếc hộp cùng mơ ước lớn lên sẽ làm đại lý phân phối của Bonne Bell tại Việt Nam”, Thư nói.

Anh Thư cười khi nói về lúc làm được thỏi son môi đầu tiên: “Bố mẹ tôi làm trong ngành ngoại giao, phải sang Mỹ công tác. Tôi theo bố mẹ đi Mỹ.

Một ngày năm 2009, tôi mua một tảng sáp ong và sô-cô-la. Ở nhà đã có sẵn dầu ăn, dầu ô-liu và dầu ngô, tôi hì hục làm suốt ba  giờ liền. Thỏi son thành phẩm có màu nâu đen, mùi sô-cô-la và vị hơi đắng. Tưởng đã thành công, tôi chụp ảnh gửi bố mẹ và bạn bè xem. Khoảnh khắc cầm thỏi son đầu tiên do mình làm thật tuyệt. Tôi tưởng chừng đã chạm tay tới giấc mơ”.

Quá trình học làm mỹ phẩm của Thư cũng không suôn sẻ. Lúc đó, không có tài liệu tiếng Việt, không đủ tiền mua nguyên vật liệu nên Thư liên tiếp làm hỏng những sản phẩm đầu tiên. Song mỗi lần hỏng là một lần Thư tự rút kinh nghiệm. Kiên trì và cần mẫn, cô gái trẻ cẩn thận ghi lại thời gian, nguyên liệu, trọng lượng… Cuối cùng, những thỏi son cô làm ra dành tặng bạn bè, người thân được yêu thích và “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người tìm đến Thư. Cô nghĩ đến chuyện kinh doanh và Công ty TNHH Thực mỹ phẩm Grandpa’s Garden ra đời.

LÀM MỸ PHẨM NHƯ VÀO BẾP

Chỉ với dầu ăn, sáp ong hay sô-cô-la, những nguyên liệu đơn giản nhưng có thể làm nên điều kỳ diệu. Thư cân đo, tính toán, đi tìm công thức sản phẩm lý tưởng nhất, nếm đủ thành công và thất bại rồi đúc kết tỉ mỉ trong cuốn sách Tự làm mỹ phẩm. Không chỉ vậy, Anh Thư còn tự quay clip và đưa lên YouTube để hướng dẫn mọi người làm mỹ phẩm. Thư không nhớ nổi đã tổ chức bao nhiêu lớp học về làm mỹ phẩm ở Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh khác.

Anh Thư cho biết: “Mỗi khóa học kéo dài 36 giờ, học phí 4 triệu đồng/khóa, nhưng học viên đăng ký rất đông. Trong đó có không ít người kinh doanh mỹ phẩm hoặc đã là đại lý phân phối của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng”.

20150421_guongthanhcong_tulammyphamTHÔNG TIN THÊM: Anh Thư cho biết, khi làm mỹ phẩm tại nhà, điểm chú ý đầu tiên là quy trình và lượng dùng nguyên liệu. Tiếp đó là môi trường ở nhà không đảm bảo vô trùng nên các sản phẩm dễ nhiễm khuẩn. Để bảo quản tốt mà không nguy hại sức khỏe, cần làm sạch dụng cụ và khu vực làm mỹ phẩm ở mức cao nhất có thể, không để thú cưng chơi quanh khu vực này trước và trong quá trình làm. Toàn bộ nguyên liệu làm mỹ phẩm được Anh Thư nhập từ Mỹ. Đôi khi, cô tận dụng nguyên liệu trong nước vì giá rẻ hơn, song không nhiều. Grandpa’s Garden cũng là nhà phân phối nguyên liệu làm mỹ phẩm handmade.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua