Rau muống thường được phun nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trước thu hoạch. Ảnh mang tính chất minh họa
Theo PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế), người Việt đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Đây là điều khó tránh vì khá đông người trồng trọt, do lợi nhuận nên đã sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu vô tội vạ nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch và để rau củ đẹp mắt. Thậm chí, rau chính vụ vẫn được phun thuốc để diệt trừ sâu bọ, kích thích tăng trưởng.
Nhiều loại rau được các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm khuyến cáo thận trọng khi sử dụng, nhất là vào mùa hè vì thường được phun nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trước thu hoạch, như rau muống, cải, mồng tơi, ngót, đọt su su… Đặc biêt vào mùa khô, dư lượng hóa chất còn sót lại trên rau thường cao hơn mùa mưa vì không đủ nước để trôi bớt thuốc.
Rau muống dễ trồng, hợp mọi thời vụ và được người mua phổ biến nên vì lợi nhuận, người nông dân sẵn sàng sử dụng các loại hóa chất kích thích nhằm thu hoạch nhiều trong thời gian ngắn, có khi chỉ vài ngày. Mặt khác, do phần lớn nguồn nước đều ô nhiễm nặng nên rau muống dễ nhiễm hóa chất, giun sán.
Tương tự, rau cải chứa nhiều sâu rệp. Để có những bụi rau xanh mướt, người ta phải phun thuốc diệt sâu bọ. Rau mồng tơi để được lá tốt, xanh mởn như bán trên thị trường cũng cần phun thuốc kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, không phải người trồng rau nào cũng đủ kiên nhẫn chờ đợi thu hoạch sau thời gian cách ly như khuyến cáo.
Như vậy, để an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần tinh ý khi sử dụng rau củ trong chế biến món ăn như: vệ sinh rau củ đúng cách, chọn ăn các loại rau củ phải gọt vỏ như bí, bầu, mướp, khoai tây… (vì việc ngâm rửa, gọt vỏ có thể loại trừ 70 − 80% dư lượng thuốc trừ sâu, hơn nữa các loại củ có thể trữ vài ngày trước khi ăn, thời gian đó có thể giúp “xả” bớt dung lượng hóa chất có trong chúng), nên hạn chế ăn rau sống, đặc biệt là rau muống.
Mùa hè, cẩn thận với rau bẩn Tổng hợp