Ngủ hoàn toàn trong bóng tối sẽ giảm được bệnh tật

Bạn biết bóng tối cần thiết như thế nào không? Tiếp xúc đều đặn với ánh sáng và bóng tối giúp điều hòa nhịp sinh học. Đình trệ nhịp điệu này làm tăng nguy cơ béo phì, sỏi thận, ung thư vú...

Các chu kỳ sinh học của cơ thể như ngủ và thức giấc, đói, cường độ hoạt động, thân nhiệt, sự thay đổi hoóc-môn melatonin trong máu… gọi chung là nhịp sinh học nội sinh.

Nhịp sinh học nội sinh xoay vòng khoảng 24 giờ mỗi ngày. Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào Mặt trời để khởi động chu kỳ này và giữ nó tuần hoàn chính xác suốt 24 giờ, tương đương chiều dài của mỗi ngày đêm. Ánh sáng và màn đêm là hai dấu hiệu quan trọng cho chu kỳ.

Cơ thể cần bóng đêm

Khoảng thời gian về đêm, trong bóng tối, thân nhiệt giảm, quá trình trao đổi chất chậm và hoóc-môn melatonin (hoóc môn điều tiết giấc ngủ) tăng thần tốc. Khi Mặt trời chưa lên vào buổi sáng, hàm lượng melatonin đã bắt đầu giảm, và bạn tỉnh giấc. Quá trình chuyển đổi sinh học để cơ thể tự chìm vào bóng đêm và lại thoát ra này đã cắm rễ trong gien của chúng ta từ cách đây 3 tỷ năm, với melatonin đóng vai trò chủ chốt.

Nếu bạn đặt ai đó vào trong buồng tối mà không có sự hiện diện của bất kỳ tín hiệu thời gian nào, chu kỳ này sẽ kéo dài gần như suốt 24 giờ. Không có ánh đèn hay ánh Mặt trời, một người sẽ lạc nhịp so với những người ở bên ngoài. Thực tế, người mù vốn không nhận thức được ánh sáng và họ phải luôn tự điều hòa sự thiếu đồng bộ này trong cuộc sống hàng ngày.

Cơ thể làm gì trong màn đêm?

Rất nhiều thứ xảy ra với cơ thể trong bóng tối. Mật độ hoóc môn leptin điều khiển cơn đói của chúng ta sẽ tăng lên. Mật độ leptin cao nghĩa là chúng ta không cảm thấy đói trong khi mật độ thấp sẽ khiến ta cảm thấy đói.

Nếu chúng ta bị đánh thức khi đang ngủ bởi ánh đèn, hoặc chúng ta thức khuya thì mật độ leptin sẽ giảm, khiến ta hay đói về đêm.

Trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các gien điều khiển nhịp sinh học nội sinh (hay còn gọi là đồng hồ sinh học) cũng kiểm soát hầu như toàn bộ hệ gien trong cơ thể. Trong đó có gien chi phối quá trình trao đổi chất, gien kiểm soát những phản ứng khi ADN bị phá hủy, gien điều tiết vòng đời của tế bào và sản xuất hoóc-môn.

Ánh sáng đèn điện vào ban đêm sẽ phá hủy các tiến trình này, góp phần gây ra các căn bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay như béo phì, sỏi thận, ung thư và trầm cảm.

Bạn có thể làm gì để cải thiện sức khỏe?

Ngày nay, chúng ta nhận được quá ít ánh sáng vào ban ngày nhưng lại quá nhiều vào ban đêm khiến nhịp sinh học không thể làm hết chức năng của nó. Ít có ai ngủ hoàn toàn trong phòng ngủ tối, và rất ít người tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày vì họ phải làm việc trong các văn phòng.

Hãy ra ngoài đón nhận ánh sáng xanh từ Mặt trời vào buổi sáng và đặc biệt nên ngủ hoàn toàn trong bóng tối. Điều này chắc chắn sẽ giúp giấc ngủ của bạn ngon hơn và có thể giảm nhiều bệnh tật về sau.

Theo iflscience

Đừng bỏ qua