Trailer đầy màu sắc của phim The Grand Budapest Hotel
Vượt qua những tài năng gạo cội khác, Milena Canonero đạt giải Nhà thiết kế xuất sắc nhất cho trang phục màu kẹo trong bộ phim The Grand Budapest Hotel” tại giải Oscar 2015.
Bài diễn văn nhận giải của Canonero cũng như 3 lần nhận giải trước đó, rất ngắn gọn, khiêm tốn. Bà chủ yếu cảm ơn đạo diễn Wes Anderson. Chia sẻ về thành công này, Canonero nói rằng đó là nhờ bà “đắm mình vào thế giới của Wes và thổi vào đó sự sáng tạo của riêng tôi”. Hai tài năng với tầm nhìn vĩ đại đã đem đến thế giới kỳ lạ, xinh đẹp và khác biệt.
Thế giới kẹo ngọt của Khách sạn Grand Budapest – đủ để giành giải Oscar
The Grand Budapest Hotel (Khách sạn đế vương) lấy tông màu kẹo ngọt làm chủ đạo. Bối cảnh phim là đất nước hư cấu vùng Trung Đông mang tên Zubrowka giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Đồng phục của nhân viên khách sạn có phong cách và đường cắt may trung thành với những năm 1930, có màu tím và tím hoa cà. Vải do công ty Mehler của Đức nhuộm và cắt may tại xưởng ở Gorlitz, Đức. Đồng phục lính tránh màu xanh lá cây quen thuộc để trở thành màu xám và đen, logo thiết kế tại xưởng ở Roman, Ý.
Nhắc đến phim này, không thể không nhắc đến quý bà 90 tuổi, xinh đẹp, đầy sức sống và là nhà sưu tầm nghệ thuật Madame D với những bộ trang phục theo kiểu retro, sang trọng và đầy tính nghệ thuật. Vì Madame D sưu tầm tác phẩm của Klimt nên Canonero in cả những hình tượng lấy cảm hứng từ Klimt lên trang phục của bà.
Nhân vật nữ chính thứ hai, Agatha, làm công trong tiệm bánh, trẻ trung, tốt bụng. Vì thế, Canonero cho Agatha mặc áo ấm dưới chiếc áo ngắn tay để giữ ấm. Trang phục có sắc màu thanh lịch, ngọt ngào như những chiếc bánh của cô.
Nghệ sĩ kim cương trong bóng tối
Nhờ trí tuệ và óc thẩm mỹ độc đáo, đôi khi Canonero định hình được tính cách cho diễn viên còn tốt hơn cả hiệu ứng ánh sáng và décor. Đặc biệt, bà có bên mình đội ngũ khoảng hai mươi người, đảm trách cả trang phục lẫn phụ kiện. “Chúng tôi không muốn thiết kế trang phục tại các nhà may khác. Chúng tôi không thuê bất cứ gì”, Canonero nói.
Kể từ tác phẩm đầu tiên, bà đã biến phim ảnh thành thời trang. Bộ phim A Clockwork Orange năm 1971 đã truyền cảm hứng cho giới trẻ Anh khẳng định phong cách riêng. Những ca sĩ nhạc rock bắt đầu bắt chước mặc quần trắng với dây đeo đen cùng giày kiểu nhà binh. Các nữ diễn viên đã tạo xu hướng cho kiểu tóc có sọc màu, phong cách bắt đầu nổi lên trong giới chơi nhạc punk rock và vẫn đang thịnh hành.
Những bộ phim sau đó tiếp tục tạo nên xu hướng. Chẳng hạn Chariots of Fire, bộ phim giúp bà đoạt giải Oscar thứ hai, không những đã tạo xu hướng thời trang mà còn truyền cảm hứng cho các phim như Brideshead Revisited. Hai nhà thiết kế tài danh khác là Ralph Lauren và Jeffrey Banks đã cho ra các bộ trang phục theo phong cách phim này và từ đó vải tweed, áo jacket, áo vest, áo len argyle và tất (vớ) argyle nhanh chóng phổ biến.
Để tạo nên những thiết kế có hồn đến vậy là nhờ Milena kỳ công tìm tòi, nghiên cứu từ tất cả các nguồn. “Hãy chụp ảnh tất cả mọi thứ. Cho dù bạn biết nhiều đến đâu về thời kỳ nào, bạn vẫn phải đi sâu thêm vào nó”, Milena chia sẻ. Milena Canonero từ chối tiết lộ tuổi của mình. Và tác phẩm của bà cũng vậy, chúng không có tuổi.
Tên tuổi và những mối quan hệ
Milena Canonero có 9 lần được đề cử Oscar và 4 lần đoạt giải. Bà có mối quan hệ rất tốt với các hãng thời trang lớn nên trong phim The Grand Budapest Hotel, hãng Fendi sẵn lòng tài trợ áo khoác và găng tay lông chồn cho Madame D, áo khoác xám Astrakhan cho Ed Norton và toàn bộ số lông thú bà cần trong phim. Hãng Prada tài trợ áo khoác da đen sang trọng mà bà thiết kế cho nhân vật Willem Dafoe.
Theo Tiếp Thị Gia Đình