Phí rút tiền mặt từ thẻ ghi nợ (Debit Card)
Hiện được sử dụng phổ biến nhất là thẻ ghi nợ – tiền bạn nạp vào tài khoản bao nhiêu sẽ được sử dụng bấy nhiêu.
Nhiều ngân hàng hiện đang áp dụng phí rút tiền mặt với loại thẻ này, nếu rút 5 triệu đồng/lần, cùng hệ thống ngân hàng thì phí là 1.100 đồng; nếu rút tiền ở máy ngân hàng khác, phí là 3.300 đồng. Mức phí thoạt nghe có vẻ không cao nhưng thực tế, nếu phải rút nhiều lần thì số tiền phí cũng đáng để bạn “bận tâm”.
Liên quan đến việc phải rút tiền nhiều lần, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc rất nhiều máy ATM của các ngân hàng thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu tiền mệnh giá lớn, nhất là loại 500.000 đồng, chủ yếu chỉ có loại mệnh giá 100.000 đồng, 50.000 đồng. Vì vậy người dùng thẻ phải rút tiền nhiều lần mới đủ nhu cầu của mình.
“Ăn chặn” phí duy trì tài khoản
Nghe nhân viên ngân hàng thông báo nếu số dư trung bình hàng tháng tối thiểu tính trên tất cả các tài khoản (tổng số dư) 50 triệu đồng hoặc 2.500 USD, tài khoản giao dịch sẽ không bị trừ 200.000 đồng, chị Q. (Hà Nội) nạp ngay 50 triệu đồng vào tài khoản. Thế nhưng, 19 ngày sau, chị nhận được tin nhắn thông báo trừ 200.000 đồng khi số dư tài khoản của chị vẫn đủ 50 triệu. Khi khiếu nại, nhân viên ngân hàng giải thích đây là phí duy trì tài khoản mà khách hàng phải trả. Không bằng lòng với cách cung cấp dịch vụ này, chị Q. tiếp tục khiếu nại qua tổng đài. Chị Q. bức xúc: “Nhân viên nói sẽ báo cáo sếp trường hợp này và sau đó họ hứa sẽ trả lại tiền. Thật quá vô lý”.
Lãi phạt “cắt cổ” từ thẻ tín dụng (Credit card)
Trường hợp của anh N.X.V (Q. Ba Đình) lại khác. Hàng tháng vẫn thanh toán đều đặn số dư, nhưng có một tháng đi công tác bị quá hạn 1 ngày, lập tức toàn bộ hơn 50 triệu đồng số dư trong tài khoản tín dụng anh đã chi tiêu trong tháng bị biến thành khoản vay với lãi suất lên tới gần 30%/năm, cộng thêm chi phí chậm thanh toán bằng 4% khoản nợ tối thiểu.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nhận định: “Lãi suất phạt quá hạn thì ngân hàng quốc gia nào cũng áp dụng. Nhưng phạt lên tới mấy chục phần trăm thì quá cao, quá bất hợp lý. Trong khi lạm phát thấp, lãi suất cho vay đang được kéo giảm mà để như vậy đối với khách hàng sẽ rất thiệt thòi”.
Hoa mắt với các loại phí khác
Nhìn vào biểu phí công bố hiện nay tại một số ngân hàng, không ít khách hàng choáng váng. Tại ANZ, mức phí sao kê tài khoản được tính theo trang như: sao kê trong vòng 12 tháng 20.000 đồng hoặc 1 USD/trang; trước 12 tháng 40.000 đồng hoặc 10 USD/trang, xác nhận số dư hoặc thông tin tài khoản 200.000 đồng hoặc 10 USD trong vòng 2 ngày làm việc. Muốn nhanh hơn, tức trong vòng 1 ngày làm việc 300.000 đồng hoặc 15 USD…
Tại HSBC biểu phí cũng thông báo rõ nếu không thanh toán số dư trên tài khoản trước ngày đáo hạn mỗi tháng, toàn bộ số này sẽ bị phạt lãi suất. Cụ thể: thẻ Visa Bạch kim 27,8%/năm, thẻ Visa Vàng 28%/năm và Bạch kim 31,2%/năm.
Đặc biệt, có rất nhiều loại phí được các ngân hàng tận thu như phí khiếu nại và yêu cầu kiểm tra giao dịch, mức thu từ 50.000 – 200.000 đồng trong trường hợp xác định chủ thẻ có lỗi trong giao dịch; có ngân hàng thu phí 9.900 đồng/tháng nếu số dư duy trì tài khoản bình quân tháng nhỏ hơn 200.000 đồng; phí tin nhắn từ 5.500 – 11.000 đồng/tháng; phí in sao kê ngoài hệ thống, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch, phí đối với chủ thẻ rút tiền trong vòng 2 ngày kể từ ngày nộp tiền mặt vào tài khoản hoặc nhận từ ngân hàng khác chuyển đến là 0,03% (tối thiểu 10.000 đồng, tối đa 1 triệu đồng); phí nộp tiền vào tài khoản thực hiện ở chi nhánh khác tỉnh thành với chi nhánh mở tài khoản là 0,01% (tối thiểu 10.000 đồng, tối đa 300.000 đồng)…
Theo ý kiến của một chuyên viên về tài chính ngân hàng, việc thu phí có thể thông cảm vì các ngân hàng phải đầu tư hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin để phục vụ người sử dụng thẻ. Tuy nhiên, các loại phí hiện nay là quá nhiều, gây ngán ngại cho người sử dụng thẻ, tác động không tốt đến chủ trương khuyến khích người dân giao dịch qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Tổng hợp