Chị thắp ngọn đèn dầu rồi khẽ đẩy cửa nhìn sang nhà bên cạnh. Trời tối sẫm. Bóng tối đặc quánh bao trùm lên nóc nhà nhỏ, phủ kín khoảng sân con con và con dốc ngoằn ngoèo dẫn vào làng. Như một sự tương phản, nhìn hết con dốc sẽ thấy một quầng sáng. Ấy là ánh sáng rực rỡ của đèn điện. Ánh sáng trong từng ngôi nhà hắt ra, ánh sáng của những chiếc đèn thắp ở con ngõ nhỏ. Tất cả tụ hợp lại với nhau tạo thành mảng rực rỡ, lung linh.
Nó khác xa với ngọn đèn dầu tù mù trong căn nhà của chị. Hàng xóm bên cạnh vẫn chưa thắp đèn. Chị lo lắng nhìn sang. Hơn chục phút trôi qua, căn nhà bên cạnh vẫn tĩnh mịch.
“Hay là đi vắng?”, chị thầm hỏi rồi tự lắc đầu. “Hồi chiều còn thấy tưới rau mà”. Chị với chiếc áo khoác, trùm chiếc khăn che kín khuôn mặt chỉ để hở đôi mắt, bước sang. Gió thốc từng cơn khiến đôi vai chị so lại vì lạnh. Lúc sáng, đài dự báo gió mùa Đông Bắc sẽ về vào chiều tối.
Chị đứng ở cửa, khe khẽ gọi. Không có tiếng đáp lại. Chị kiên nhẫn gọi thêm lần nữa. Vẫn im lặng. Chị quay lưng, dợm bước thì nghe có tiếng rên khe khẽ. Thoáng ngập ngừng, chị đẩy cửa bước vào.
Căn nhà tối om. Chị phải định thần một chút để mắt quen với bóng tối. Rồi chị rút diêm, thắp đèn. Ánh sáng lập tức hắt lên một khoảng của căn nhà nhỏ. Trong ánh sáng tù mù ấy, người đàn ông nằm trùm kín chăn trên chiếc giường nhỏ kê sát góc tường cạnh cửa sổ hé nhìn chị. Anh cố nghiến chặt răng mà tiếng rên vẫn không thể nào kìm nén được. Chị vội bước lại gần, dịu dàng:
– Anh ốm sao?
Khó nhọc lắm, người đàn ông mới thốt nên lời. Môi anh run lên:
– Chắc tại trở trời, vết thương cũ tái phát thôi chị ạ.
Chị tính hỏi anh đau ốm vậy đã ăn gì chưa nhưng lại thôi. Hỏi câu ấy thừa thãi quá. Anh cũng như chị, sống một mình, lúc trái gió trở trời, gắng gượng dậy được nấu bát cháo thì tốt, không thì đành nằm nhịn đói vậy thôi. Chị xuống bếp, lấy nắm gạo nấu cháo. Chẳng hiểu sao nước mắt cứ chảy ra ướt đẫm má chị. Không biết chị khóc thương anh hay vì tủi thân mình.
Ánh lửa nhảy nhót trên vách bếp, soi bóng chị lặng lẽ. Dù vậy, lửa vẫn tỏa ra thứ hơi ấm khiến chị nôn nao. Lúc nào cũng vậy, hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra nhen lên trong chị một nỗi mơ ước thầm kín mà từ lâu rồi chị cố dằn lòng. Mơ ước về một ngôi nhà ấm áp, có tiếng trẻ con bi bô tập nói. Chiều chiều, sau một ngày làm việc mệt nhọc, chị nhen bếp lửa nấu cơm. Mâm cơm dẫu đạm bạc thôi nhưng vợ chồng con cái ngồi quây quần bên nhau, ấm cúng, vui vẻ. Bất giác, chị mỉm cười. Nước mắt vẫn hoen trên má nhưng không làm nụ cười bừng lên từ mơ ước giản dị của chị bớt tươi tắn.
Nồi cháo sôi trào kéo chị về thực tại. Chị đưa tay rờ rẫm khuôn mặt mình. Những vết thịt lồi lên khiến chị khẽ rùng mình. Cố nén tiếng thở dài, chị múc cháo ra tô, dập lửa. Căn bếp lại chìm trong bóng đêm.
Sau lần anh ốm, anh chị có vẻ thân hơn, nói chuyện đỡ gượng gạo hơn. Dù là hàng xóm láng giềng, lại chỉ có hai căn nhà gần nhau trên quả đồi trơ trọi nhưng vì ngại điều tiếng nên anh chị chưa khi nào nói chuyện thân tình. Ngày chị dọn đồ chuyển lên căn nhà tình nghĩa xã xây cho chị, mọi người chẳng biết thật hay đùa mà vừa cười vừa nói với nhau:
– Anh chưa vợ, chị không chồng, có khi bà sẹo với ông chột lại phải lòng nhau cũng nên.
Chị nghe thấy những lời ấy, trong lòng xót xa mà vẫn cố tỏ ra bình thản, không quan tâm. Chị cũng như anh, từ lâu rồi người ta đã quên mất tên thật mà gọi bằng cái tên lũ trẻ con thường gọi dựa vào đặc điểm trên khuôn mặt. Gọi mãi, nghe mãi rồi thành tên.
Ngày trước, chị là cô gái xinh đẹp nhất làng. Chị đã đính ước với chàng trai hàng xóm khỏe mạnh nhà cạnh bên. Rồi chàng trai ấy lên đường nhập ngũ khi hai người chưa kịp làm đám cưới. Chị cũng viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chiến trường mịt mù khói lửa, chị đã đi trên khắp các nẻo đường mà chẳng thể gặp anh. Tình yêu, nỗi nhớ gói gọn trong những cánh thư. Anh chị vẫn hẹn ước với nhau, hết chiến tranh sẽ cùng trở về, sẽ sinh những đứa con thật ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Con gái xinh đẹp giống chị còn con trai sẽ khỏe mạnh như anh. Vậy mà…
Trong một lần cùng đồng đội san đường cho xe chạy, chị bị trúng bom. Đồng đội hy sinh gần hết, chị may mắn thoát chết, nhưng dấu vết để lại trên gương mặt quá tàn nhẫn. Nửa khuôn mặt chị cháy sém. Những vết sẹo lồi lên, chằng chịt ngang dọc. Rồi chị xuất ngũ về quê, ở cùng vợ chồng người anh trai trong căn nhà cũ bố mẹ để lại. Từ ấy, chiếc khăn chẳng khi nào rời khỏi khuôn mặt chị trừ lúc ngủ.
Người chồng chưa cưới cũng trở về nguyên vẹn sau chiến tranh. Nhìn thấy khuôn mặt chị, anh bàng hoàng, sửng sốt rồi câm lặng. Một thời gian sau, anh cưới vợ. Chị chẳng trách anh. Đến chị mỗi lần soi gương còn rùng mình trước khuôn mặt của mình thì làm sao có thể bắt anh nâng niu, ôm ấp nó như những ngày xa cũ.
Chị cố nén nỗi đau, chôn chặt những ký ức trong lòng. Vậy mà nỗi đau cứ nhức nhối, âm ỉ, nhất là mỗi buổi chiều, nghe tiếng con anh ríu rít mời bố mẹ vào ăn cơm. Vậy nên, khi xã đề nghị xây cho chị căn nhà tình nghĩa, chị chọn xây trên quả đồi, tách biệt hẳn với làng dù trên đó điện nước thiếu thốn đủ bề. Chị muốn sống tách biệt như một cách trốn chạy quá khứ.
Hàng xóm của chị cũng là một thương binh. Anh bị mất một mắt, mắt kia nhìn cũng không còn được tinh tường như trước. Trong người anh còn vài vết đạn.
Người làng còn kháo nhau, chiến tranh đã khiến anh không còn khả năng làm cha. Trở về từ viện điều dưỡng, cha mẹ đã mất cả, anh em “kiến giả nhất phận”, anh xin xã dựng nhà trên quả đồi, khai hoang, trồng trọt. Hàng ngày, chị vẫn thấy anh khó nhọc cuốc từng vạt đất. Cần mẫn từng chút một như thế, nhờ bàn tay anh, vạt đồi cũng bắt đầu phủ màu xanh của ngô sắn.
Thỉnh thoảng, anh cho chị chục bắp ngô vừa độ ngọt, chị biếu anh mấy quả trứng gà mới đẻ. Anh chị chuyện trò vài ba câu ngắn ngủi. Chị mặc cảm, anh cũng mặc cảm. Cả hai đều ngại những lời đàm tiếu của xóm làng. Miệng lưỡi thế gian, dù anh chị đã sống tách biệt nhưng vẫn cay nghiệt.
Thời gian sau này, chị còn giúp anh chăm vạt ngô, vạt sắn. Anh giúp chị cài lại tấm phên, đóng lại cái chuồng gà. Có lúc, vô tình, bàn tay anh chạm phải tay chị. Chị giật mình. Cái cảm giác ấm nóng, thô ráp từ bàn tay của một người đàn ông làm chị thao thức mãi. Thao thức để rồi suốt cả đêm, nước mắt lại ướt đẫm trên má chị.
Anh kín đáo bày tỏ tình cảm của mình, bắt đầu từ việc đổi cách xưng hô. Anh quan tâm đến chị từ những việc nhỏ bé hàng ngày. Thỉnh thoảng anh tìm cách nhờ chị vá hộ cái áo hay nấu hộ bát cháo những hôm mệt.
Ngày xuống chợ, anh mua tặng chị miếng vải hoa may áo. Cái cách anh vụng về gói miếng vải trong tờ báo cũ, ngượng ngùng, lén lút đưa tặng như sợ ai đó bắt gặp khiến trái tim chị xao xuyến. Chị muốn đón nhận tình cảm ấy của anh nhưng rồi chị sợ. Chị sợ miệng lưỡi thế gian, sợ anh nhìn thấy khuôn mặt mình. Chưa bao giờ anh thấy chị cởi chiếc khăn trùm kín mặt. Anh chỉ còn một con mắt, con mắt ấy dù không tinh tường nhưng vẫn đủ để nhìn thấy sự đáng sợ, những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt chị. Chị trả lại anh miếng vải hoa, nhất quyết không nhận. Nhìn thấy vẻ thất thần trên khuôn mặt anh mà lồng ngực chị cũng như bị ai bóp nghẹt.
Chị cũng tính trả lại căn nhà tình nghĩa cho xã, trở về nhà anh trai để trốn chạy tình cảm của anh. Mấy hôm chị dọn dẹp đồ đạc, anh ngồi bên nhà nhìn sang. Dáng anh câm lặng, cô độc và đầy xót xa. Chị muốn nói với anh điều gì đó mà không sao thốt lên được.
Chị ốm. Cơn sốt kéo dài dai dẳng khiến chị nằm bẹp trên giường không trở mình nổi. Anh không thấy chị thắp đèn, vội vàng chạy sang.
Khi ánh đèn dầu được thắp lên, chị dồn hết sức lực vào đôi tay rã rời kéo chiếc khăn trùm đầu nhưng không kịp. Anh đã đến trước mặt chị, ngồi xuống bên chị. Chị vội quay mặt sang phía khác để che vết sẹo. Nhưng anh đã giữ chặt khuôn mặt chị trong đôi tay ấm áp của mình. Những ngón tay thô ráp của anh dịu dàng vuốt ve từng vết sẹo. Nước mắt lặng lẽ trào ra từ đuôi mắt còn lại của anh. Chị gục đầu vào vòm ngực vững chãi của anh, thổn thức cho đến khi anh dịu dàng đặt một nụ hôn lên khuôn mặt cũng đã ướt đầm nước mắt hạnh phúc của chị.
Truyện ngắn của Đào Thu Hà – Theo Tiếp Thị Gia Đình