Họ đã biến phế liệu thành đồ trang trí độc đáo như thế nào?

Qua đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng nhà thiết kế trẻ Thiên Tâm và Diệu Thúy, những vỏ chai bỏ đi đã trở thành đồ trang trí độc đáo

Căn hộ nhỏ số 110E Ngọc Hà, Q. Ba Đình, Hà Nội, của vợ chồng chị Thúy ấn tượng với tấm bảng gỗ in chữ Ve Chai nổi bật trên nền sơn vàng. Trên kệ chất đầy chai, lọ. Chị Thúy hóm hỉnh kể: “Từ ngày làm nghề này, mình mắc bệnh nghề nghiệp, đi đâu cũng ngó nghiêng xem có cái chai nào không là lượm về”. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị vừa tỉ mỉ vẽ từng nét hoa văn trên lọ hoa “chế” từ chai rượu cỡ lớn.

ĐỔI PHẬN CHO VE CHAI

Anh Tâm, chị Thúy vốn là dân thiết kế đồ họa. Cơ duyên để họ đến với hành trình “giải cứu” những chiếc chai hết sức tự nhiên. Nhiều lần đi ngang các cửa hàng, quán bar thấy người ta vứt đi nhiều vỏ chai đẹp, anh Tâm thấy phí nên mang về, chế tạo thành những vật trang trí trong nhà như cốc đựng nến, đèn ngủ…

Chỉ làm chơi và tặng bạn bè nhưng nhiều người đã thốt lên: “Sao không kinh doanh, vừa có lợi nhuận vừa bảo vệ môi trường?”. Vậy là thú vui nhất thời biến thành ý tưởng kinh doanh. Vợ chồng chị dành thời gian đi khắp phố phường, quán xá tìm mua màu vẽ, gom nhặt chai lọ. “Vợ trêu tôi là người đàn ông nghe được tiếng gọi của phế liệu, chai nằm khuất trong bãi rác mà cứ như nó đang í ới: “Cứu em!”, anh Tâm hài hước kể.

Tuy không phải bỏ vốn nguyên liệu nhưng điều khiến cả hai đau đầu là làm sao tìm ra màu vẽ trên kính ưng ý. Ban đầu, anh chị dùng màu nước nên chỉ để được ít hôm là phai. Nghe người ta giới thiệu ở đâu có màu vẽ trên kính đẹp là vợ chồng chị tìm mua và dùng thử. Màu của Trung Quốc độ bám không cao, không bóng đẹp, màu của Hà Lan lâu khô và độ trong kém. Chỉ có màu vẽ trên kính của Pháp vừa nhanh khô lại đạt độ trong như ý. Tất nhiên, giá của chúng không hề rẻ.

Để có bộ máy cắt, mài và làm bóng thủy tinh cũng là điều nan giải. “Một bộ máy mới ở nước ngoài rẻ nhất cũng mất hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ cắt kính trên mặt phẳng, chứ không cắt theo mọi hình dáng. Vì thế, tôi đã chế một bộ máy cắt, mài nhẵn và mài bóng riêng”, anh Tâm bộc bạch. Đến giờ anh đã có ba bộ máy tự chế có thể dùng được trong nửa năm mới thay lưỡi.

Có công cụ, họ hăng say bắt tay vào sáng tạo. Anh Tâm cắt, mài chai lọ, còn chị vẽ và trang trí. Tùy theo cảm hứng, tùy vào hình dáng của chiếc chai, họ sáng tạo thành bình hoa, chậu cây, chụp đèn, thậm chí thành bộ ly.

SỐNG XANH TỪ VIỆC GIẢN ĐƠN

Tháng 1–2014, sản phẩm ra mắt thị trường trong hội chợ đồ handmade tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, thu hút nhiều người. Anh Tâm quyết định mở cửa hàng trưng bày tại nhà. Sản phẩm có giá dao động từ 20.000 – 300.000 đồng, không quá đắt nên nhiều người tìm đến chọn làm quà tặng. “Cuộc giải cứu những chiếc chai một năm nay đem lại nguồn thu nhập đủ để chúng tôi nuôi đam mê và ấp ủ kế hoạch tìm đối tác, mở rộng kinh doanh”, chị Thúy chia sẻ.

Chính niềm đam mê của vợ chồng chị đã truyền cho mọi người thông điệp sống xanh từ việc tận dụng những vật giản đơn quanh ta.

20150407_guongthanhcong_dieuthuy

Những sản phẩm độc đáo của cửa hàng Ve Chai

 

BÍ QUYẾT KINH DOANH

• Chị Nguyễn Diệu Thúy (sinh năm 1980), anh Đinh Thiên Tâm (sinh năm 1982) hiện đang bán sản phẩm thủy tinh tái chế tại 110E Ngọc Hà, Q. Ba Đình, Hà Nội, www.facebook.com/vechaihandmade.

• Phương châm kinh doanh của vợ chồng chị là làm sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đó chứ không sản xuất hàng loạt. Để thu hút khách hàng, anh chị tạo sản phẩm theo chủ đề, ví dụ dịp lễ Tết có hoa đào, hoa mai; lắng nghe thị hiếu, góp ý của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm hơn… Anh chị còn nhận trang trí cho hộ gia đình, quán cà-phê theo phong cách riêng. Công việc đó giúp anh chị rèn luyện tay nghề, óc thẩm mỹ.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua