Vitamin C (hay còn gọi a-xít ascorbic) giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch, hỗ trợ quá trình hấp thụ sắt, phòng ngừa bệnh scorbut, giảm thiểu các cholesterol xấu và triglyceride.
Vitanmin C cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh ung thư bằng cách chống lại các gốc tự do, trung hòa tác động của các nitrite (là các chất bảo quản có trong một số loại thực phẩm đóng gói, có thể gia tăng nguy cơ ung thư).
Thực phẩm bổ sung chứa vitamin C có thể làm giảm triệu chứng của các bệnh cảm lạnh thông thường, giúp ngăn chặn hoặc trì hoãn bệnh đục thủy tinh thể, hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể.
Nên bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
Theo Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ), hàm lượng vitamin C mỗi ngày đối với người lớn như sau:
- Nam giới: 90mg
- Nữ giới: 75mg
- Phụ nữ mang thai: 85mg
- Phụ nữ cho con bú: 120mg
- Người hút thuốc: 250mg
Đối với trẻ em, hàm lượng này như sau:
- Từ 0 – 6 tháng: 40mg
- Từ 7 – 12 tháng: 50mg
- Từ 1 – 3 tuổi: 15mg
- Từ 4 – 8 tuổi: 25mg
- Từ 9 – 13 tuổi: 45mg
- Nam từ 14 – 18 tuổi: 75mg
- Nữ từ 14 – 18 tuổi: 65g
Nguy hại khi nạp quá nhiều vitamin C
Nhìn chung, việc hấp thụ vitamin C từ thực phẩm và các chất bổ sung không gây hại gì đối với cơ thể. Tác dụng phụ là rất hiếm, nếu có thường là các triệu chứng buồn nôn, ói mửa, ợ nóng, đau bụng và đau đầu.
Đối với những người khỏe mạnh, cơ thể có thể hấp thụ 250mg vitamin C mỗi ngày, lượng dư thừa sẽ thoát ra ngoài qua nước tiểu.
Đối với người đang ốm, đang hồi phục chấn thương hay mất cân bằng o-xi hóa (bao gồm cả việc hút thuốc), cơ thể có khả năng hấp thụ nhiều vitamin C hơn.
Tuy nhiên, lượng vitamin C vượt quá 2.000mg/ngày sẽ góp phần gây ra sỏi thận, tiêu chảy nguy kịch, nôn mửa và viêm dạ dày.
Các dấu hiệu thiếu vitamin C
Thiếu vitamin C sẽ khiến bạn mệt mỏi, cơ thể suy nhược, đau nhức khớp xương và cơ bắp, chảy máu chân răng, phát ban ở chân. Thiếu hụt vitamin C trong thời gian dài có thể gây ra scorbut, một bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Theo Tiếp Thị Gia Đình