Phần lớn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Argentina là đậu nành biến đổi gen
Theo các nhà khoa học, tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen vẫn còn là đề tài tranh cãi ở quy mô toàn cầu. Đây là một vấn đề nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, người tiêu dùng có quyền được biết và lựa chọn các loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sản phẩm thực phẩm biến đổi gen không được dán nhãn và người tiêu dùng hầu như không được biết các thông tin này.
Trong khi đó, theo các công ty nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa nhập về chỉ phải kiểm tra về an toàn thực phẩm, công bố chất lượng chứ chưa có kiểm tra và dán nhãn nguồn gốc biến đổi gen (nếu có).
Hiện có khoảng 100 quốc gia cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen (trong khi chỉ có 29 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gen) nhưng kèm theo những quy định về dán nhãn và quản lý chặt chẽ.
Nhiều quốc gia quy định một sản phẩm có từ 5% thành phần trở lên có nguồn gốc biến đổi gen thì phải dán nhãn để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn. Tại Việt Nam, dù thực phẩm biến đổi gen được nhập khẩu từ nhiều năm qua nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy định dán nhãn và quản lý với loại thực phẩm này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, cùng với quyết định cho phép các giống cây trồng biến đổi gen được khảo nghiệm và thương mại hóa tại Việt Nam, các văn bản quản lý về nguồn gốc và dán nhãn cũng được hoàn thiện. Đối với các loại thực phẩm biến đổi gen dùng cho con người, Bộ NN&PTNT đang xây dựng văn bản quản lý và dán nhãn.
Tổng hợp