Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn cùng lớp Đại học Ngoại thương của tôi đã chọn con đường đầu quân vào các công ty đa quốc gia, lương cao, môi trường tốt. Tuy nhiên, trong tôi luôn có cảm giác đó không phải là con đường dành cho mình. Năm cuối đại học, khi chưa tốt nghiệp, tôi đã nhận lời về làm giám đốc kinh doanh cho một công ty mới thành lập.
CHỌN CON ĐƯỜNG NHỎ
Đó là một công ty phần mềm có trụ sở tại Q. 2, TP. HCM. Sản phẩm của công ty là phần mềm quản lý quán cà-phê. Mỗi ngày, tôi chạy xe từ Gò Vấp đến chỗ làm mất khoảng 45 phút. Ngày đầu tiên đến công ty, vị giám đốc mở cửa phòng, nói với tôi: “Đây, phòng làm việc của em đây”. Tôi bước vào, ngỡ ngàng vì không có ai cả. Giây phút ấy, tôi biết mình sẽ phải làm rất nhiều ở nơi này.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về công nghệ thông tin, tuyển nhân viên và tìm khách hàng. Suốt một tháng đầu, tôi vừa là giám đốc kinh doanh vừa là nhân viên, kiêm luôn tạp vụ. Vì công ty không có tạp vụ, mỗi sáng, trên đường đi làm, tôi ghé chợ mua thức ăn. Đến công ty, tôi lau dọn văn phòng rồi mới làm việc, khi ấy khoảng 8 giờ 30 sáng. Đến 11 giờ 30, tôi xuống bếp nấu ăn cho mọi người.
Sáu giờ chiều, trước khi ra về, tôi lại xuống bếp nấu nhanh món gì đó cho nhân viên kỹ thuật ăn để làm đêm. Suốt một tháng, tôi vui vẻ làm không chút bận tâm.
Sau một thời gian, công ty ngừng hoạt động. Đêm ấy đi về, tôi khóc rất nhiều. Dù thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng tôi xem đó như là ngôi nhà thứ hai của mình. Lúc này, tôi nghĩ: “Vẫn còn những dự án dang dở, nếu dừng lại thì mất uy tín với khách hàng”. Cuối cùng, tôi “liều” tiếp. Lần này, tôi mở công ty thiết kế website khi 22 tuổi.
BẾ TẮC
Không ảo tưởng về tương lai tươi sáng của công ty nhưng tôi luôn tin mình sẽ làm được. Trong những lần tiếp xúc với khách hàng, tôi nhận thấy nhiều công ty không chú trọng việc xây dựng và nhận diện thương hiệu. Đó là cơ hội của chúng tôi. Từ chỗ chỉ viết phần mềm, thiết kế logo, website, tôi chuyển sang xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho khách hàng. Khó khăn của tôi là tuổi đời còn quá trẻ. Khi đến làm việc với khách hàng, dù tôi đưa ra ý tưởng hay, khách hàng tán đồng, cảm ơn và nói sẽ ghi nhận nhưng không ký hợp đồng. Sau nhiều khó khăn, tôi nhận ra rằng, không chỉ thuyết phục mà còn phải chứng minh cho khách hàng thấy khả năng của mình.
Hợp đồng đầu tiên công ty tôi nhận có giá 1.200 đô-la Mỹ, nhưng một năm rưỡi sau chúng tôi đã ký được hợp đồng lên đến 23.000 đô-la Mỹ. Không còn phải đi thuyết phục hay quảng bá, chính những khách hàng đầu tiên của chúng tôi đã giới thiệu cho khách hàng mới.
Khách hàng càng nhiều, công ty càng phải mở rộng. Việc tuyển dụng nhân viên lúc này lại gặp khó khăn. Đây vốn là ngành sáng tạo, việc đầu tư con người rất quan trọng. Tôi nhận thấy, những nhân viên ở thế hệ thứ hai không như mình mong muốn.
Sau đó, một sự việc xảy đến khiến tôi giật mình. Một khách hàng lớn của công ty sau khi xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu thì lâm vào cảnh phá sản, giám đốc trốn đi nước ngoài. Tôi tự hỏi: “Cái này đâu phải là thương hiệu. Thương hiệu là cái gì đó chắc chắn. Cái mình làm cho họ chỉ là cái vỏ chứ không phải ruột. Quan trọng là việc xây dựng cái ruột đó mình không thể kiểm soát”. Tôi thấy bế tắc và quyết định không làm nữa, vì càng làm càng thấy khó chịu. Tôi chỉ lấy được tiền nhưng để thấy “đã” thì không “đã” tí nào.
THAY ĐỔI
Hai năm trước khi quyết định chấm dứt hoạt động công ty, tôi lại gặp vấn đề trong chuyện tình cảm. Công việc lẫn tình cảm không suôn sẻ khiến tôi lâm vào chuỗi ngày stress nặng. Tôi lang thang trên mạng thì tình cờ gặp một lớp học quản lý cảm xúc miễn phí. Tôi đăng ký đi học. Sau tám buổi, tình trạng stress của tôi đã giảm nhiều, những khúc mắc cũng được giải tỏa. Sau hai năm theo đuổi những khóa học quản lý cảm xúc, tư duy của tôi về chiến lược kinh doanh, công việc và cuộc sống trở nên rõ ràng hơn.
Từ những lợi ích mà bản thân có được sau một thời gian đi học, tôi quyết định phát triển thành lớp học thương mại. Tôi thành lập hai công ty cùng lúc ZenLeader và ProSales. Ở ProSales, lúc đầu tôi chuyên đào tạo về bán hàng, sau ba năm, công ty chuyển sang dịch vụ bán hàng thuê và xây dựng kênh bán lẻ, toàn bộ hoạt động đào tạo đưa sang ZenLeader.
Còn ZenLeader, ban đầu, tôi đào tạo chương trình Phương pháp tư duy bằng thiền – một lối khai mở mới về thiền. Tôi khai thác dòng thiền chủ động và thiền khai trí do người Việt sáng chế. Nó giúp người học có được sự sáng suốt và bình an khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Sau ba năm, tôi triển khai thêm chương trình Đánh thức sức mạnh bản thân vì tôi nhận thấy để đạt được thành công, trí tuệ và sự bình an, mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân.
Điều đáng mừng là các khách hàng doanh nghiệp đánh giá cao tính mới lạ và hiệu quả của hai chương trình ở ZenLeader. Vì thế, tôi rất tự tin về thiền gốc Việt Nam và đang ấp ủ dự án về sản phẩm du lịch thiền cho khách nước ngoài. Tôi tin rằng sản phẩm này sẽ tạo được đặc trưng cho du lịch nước nhà và thu hút du khách quay lại Việt Nam nhiều lần hơn.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
√ Bạn phải là chính mình, nhưng không cần phải chứng tỏ với người khác. Chỉ cần nhận thức “mình là ai”, những vấn đề khác chắc chắn sẽ giải quyết được.
√ Hãy lắng nghe con tim mách bảo và yêu thương bản thân mỗi ngày.
√ Để có được thành công, trí tuệ và bình an thực sự cần phải có ý thức trách nhiệm với bản thân.
√ Đừng ngại làm việc nhỏ, việc khó, hãy thử nó.
Theo Tiếp Thị Gia Đình