Theo thống kê tại bệnh viện mắt Hà Nội và bệnh viện Mắt Trung ương, đến lứa tuổi phổ thông trung học thì đến hơn 50% các em học sinh bị cận thị. Có nhiều phương pháp điều chỉnh tật cận thị, nhưng thông dụng nhất là đeo kính gọng, kính áp tròng, phẩu thuật… Tuy nhiên, đeo kính gọng sẽ gặp bất lợi khi chơi các môn thể thao, hay đi lại lúc trời mưa. Còn kính áp tròng chỉ có thể đeo vào ban ngày và tháo ra buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, kính áp tròng được sử dụng vào ban ngày, tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm cao dễ gây biến chứng như viêm kết mạc, viêm giác mạc, đỏ mắt…
Hiện tại, phương pháp chỉnh hình bề mặt giác mạc bằng kính áp tròng ban đêm gần đây được công nhận rộng rãi ở các nước tiên tiến và đang được triển khai tại Việt Nam. Ưu điểm của phương pháp này là giúp người cận thị không còn lệ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng trong sinh hoạt ngày thường, cũng như làm giảm sự tiến triển của tật cận thị.
Kính hoạt động theo cơ chế dựa trên tính đàn hồi tự nhiên cao của giác mạc và thiết kế riêng cho từng người. Khi đeo kính qua đêm, với tác động lực của mi mắt khi ngủ sẽ ép lên bề mặt kính, tạo khuôn nhẹ, làm thay đổi độ cong của giác mạc trong một thời gian vào ban ngày. Kính được đặt vào mắt khi ngủ và tháo ra lúc thức dậy.
Bác sỹ Vũ Tuệ Khanh, chuyên gia giác mạc (Bệnh viện Mắt Sài Gòn) cho biết: “Trường hợp các em cận dưới hai độ, sau một đêm sử dụng kín, ngày tiếp theo không cần phải đeo kính gọng. Nếu cận và loạn cao, thời gian giảm độ sẽ lâu hơn, khoảng trên một tháng. Điều đáng lưu ý, khi sử dụng loại kính này cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bảo quản, giữ kính tránh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm”.
Tổng hợp