9x Sài Gòn sáng chế gậy thông minh cho người khiếm thị

Chiếc gậy thông minh cho người khiếm thị lần đầu tiên được nhóm các bạn trẻ Sài Gòn sáng chế để giúp người sử dụng tránh được những vật cản phía trước

Lần đầu tiên, tại TP.HCM, chiếc gậy thông minh cho người khiếm thị được sử dụng để dò đường bằng cảm biến sóng siêu âm, được chế tạo bới một nhóm bạn trẻ sinh năm 1993 đến từ Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định.

Ba bạn trẻ 9x Võ Chí Hiếu, Lê Mạnh Hải và Võ Thanh Nguyên, sau gần một năm dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Lê Mạnh Hải, vào cuối tháng 5 năm nay, đã chế tạo thành công chiếc gậy thông minh cho người khiếm thị.

9x Sai Gon sang che gay thong minh cho nguoi khiem thi hinh anh 1

Võ Thanh Nguyên (bìa trái), Võ Chí Hiếu (thứ 3, từ trái qua), Lê Mạnh Hải (thứ 2, từ phải qua) tại Mái Ấm Thiên Ân TP.HCM cùng thầy Phong (đeo kính đen).

Được biết, ý tưởng sáng chế ra chiếc gậy thông minh này bắt nguồn từ một tình huống mà bạn Hiếu (trưởng nhóm) tình cờ bắt gặp một người khiếm thị cầm gậy đi trên đường đã va phải vào đuôi của một chiếc xe tải.

“Trong một lần đang đi xe thì em vô tình thấy một người khiếm thị đang cầm gậy đi trên đường và phía trước người đó là 1 chiếc xe tải nhưng lúc đó em không kịp cảnh báo cho người đó biết; vì vậy, người khiếm thị đó đã va phải vào đuôi của chiếc xe tải. Hình ảnh đó cứ ghi sâu mãi trong đầu em”, Hiếu chia sẻ.

Hình ảnh ấy dường như ngày nào cũng thôi thúc Hiếu phải làm một điều gì đó để giúp những người khiếm thị mưu sinh vất vả ngoài đường. Từ đó, Hiếu liền chia sẻ câu chuyện với nhóm và đưa ra ý tưởng sáng chế ra cây gậy có khả năng giúp người khiếm thị phát hiện sớm và tránh được các vật cản ở phía trước trên đường đi. Và thế là chiếc gậy thông minh cho người khiếm thị ra đời.

Để đảm bảo cho chiếc gậy thông minh đạt được hiệu quả tuyệt đối, nhóm bạn trẻ đã đi lân la khắp nơi có người khiếm thị như Hội người mù TP. HCM, Mái ấm Thiên Ân ở quận Tân Phú, TP. HCM rồi đến trường Nguyễn Đình Chiểu và một số địa điểm khác để cho sử dụng và ghi nhận lại phản hồi, lời đóng góp từ người dùng.

Trước đây, nhóm cầm gậy đi khắp nơi có người khiếm thị như Mái ấm Thiên Ân (Q. Tân Phú, TP. HCM), trường Nguyễn Đình Chiểu, Hội người mù TP.HCM… để cho sử dụng và ghi nhận lại phản hồi từ người dùng. Có lần, các bạn đã âm thầm theo dõi người khiếm thị đi trên đường suốt cả ngày, để xem gậy có phát huy được hết công dụng không và để biết được mình cần phải sửa chửa thêm những gì.

Một người khiếm thị tại Mái ấm Thiên Ân nhận xét: “Đây là lần đầu tiên mình được sử dụng một cây gậy thông minh như thế. Cây gậy có khả năng rung khi phát hiện được vật cản, giúp cho mình biết được những chướng ngại vật phía trước để chuyển hướng đi”.

9x Sai Gon sang che gay thong minh cho nguoi khiem thi hinh anh 3

Thiết kế của chiếc gậy thông minh lấy ý tưởng dựa trên hình mẫu trông giống như chiếc gậy xếp của người khiếm thị hay dùng, được làm từ nhôm nhẹ 390 gram, dài 1.2m, nhưng vì gậy sử dụng công nghệ sóng siêu âm để phát hiện vật cản trong phạm vi 2.5m, sóng siêu âm sẽ truyền tín hiệu thông qua con chip được lập trình sẵn, và báo hiệu bằng độ rung cho người khiếm thị biết để tránh né, nên chiếc gậy có tên là gậy thông minh.

9x Sai Gon sang che gay thong minh cho nguoi khiem thi hinh anh 2

Chiếc gậy thông minh được sáng chế bởi nhóm bạn trẻ Sài Gòn.

Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, nhóm bạn trẻ hiện đang thực hiện kế hoạch khởi nghiệp với sản phẩm thông minh này, đồng thời, kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện các dự án về sản phẩm gậy thông minh cho người khiếm thị với quy mô lớn hơn, và để gậy thông minh có cơ hội được tiếp cận với nhiều người khiếm thị hơn. Số vốn góp ban đầu và tính đến thời điểm hiện tại nay đã hơn 32 triệu đồng.

Anh Nguyễn Trung Kiên, một chuyên gia kêu gọi vốn từ cộng đồng Việt Nam (crowdfunding) cho rằng dự án Gậy thông minh cho người khiếm thị chưa hẳn là một dự án kinh doanh thuần túy nhưng nó lại mang ý nghĩa cộng đồng vô cùng to lớn, vì đây là sản phẩm do chính các bạn sinh viên ngành Công nghệ Thông tin nghiên cứu và chế tạo, đồng thời, chiếc gậy thông minh là nền cơ bản cho việc ứng dụng công nghệ để phục vụ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, mà ở đây là những người khiếm thị phải mưu sinh ngoài phố.

Trước đó, thầy Nguyễn Duy Quy, một giáo viên tại Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng), cũng đã chế tạo ra một chiếc gậy thông minh cho người khiếm thị, nhưng chiếc gậy của thầy Quy lại được trang bị một đèn LED và hệ thống cảnh báo bằng loa. Khi băng qua đường, người sử dụng sẽ bật công tắc để kích hoạt hệ thống đèn và loa để mọi người xung quanh biết và nhường đường cho người khiếm thị.

Bài: Mai Lộc

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua