9 thói quen trước khi ngủ giúp tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau

Một giấc ngủ ngon đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người

Tập hình thành những thói quen trước khi đi ngủ không khó khăn, chỉ cần bạn kiên trì. Ảnh: Shutterstock

Ở trạng thái tỉnh táo, bộ não của chúng ta luôn hoạt động hết công suất. Nó không phải là chiếc công tắc mà khi ta ra lệnh tắt là tắt ngay. Vì thế, bạn cần thời gian để hình thành nên những thói quen trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp bạn thư giãn và chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Giấc ngủ ngon vào đêm hôm trước chính là nền tảng cho tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau.

Tập thiền

Thiền định là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả đưa bạn vào giấc ngủ nhanh hơn. Bạn nên tập thiền mỗi ngày để có thể tĩnh tâm và thư giãn. Với những ai hay bị thức giấc lúc nửa đêm, thiền giúp bạn tìm lại cảm giác buồn ngủ nhanh chóng.

Viết ra những việc bạn cần làm vào sáng hôm sau

Rất nhiều người mất ngủ vì đầu óc của họ không bao giờ ngừng nghĩ ngợi. Từ cách giải quyết một vấn đề trong công việc đến hy vọng và ước mơ về tương lai. Cả suy nghĩ tiêu cực và tích cực đều làm cho tâm trí chúng ta hỗn loạn. Các chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên viết nhật kí về những điều cần làm vào sáng hôm sau. Nó chắc chắn sẽ mang đến cho bạn cảm giác “nhẹ lòng”. Chưa kể việc viết lách cũng khiến bạn cảm thấy nhanh buồn ngủ hơn.

Nghe Podcast

Những câu chuyện từ Podcast được ví như liều thuốc ngủ an toàn nhất. Với một chiếc điện thoại thông minh, hãy tạo cho mình thói quen nghe Podcast trước khi đi ngủ. Thậm chí bạn còn có thể tiếp thu một khối lượng kiến thức thông qua các chủ đề đa dạng trên Podcast. Hoặc đơn giản là nghe những âm thanh thư giãn như tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy, tiếng ồn trắng…

Không ăn tối quá muộn

Nếu mắc chứng ợ chua, bạn cần nói không với đồ ăn khuya. Các chuyên gia cho biết một trong những nguyên nhân tiềm ẩn làm gián đoạn giấc ngủ là do trào ngược dạ dày. Nó khiến cơ thể khó chịu khi nằm xuống và không thể ngủ được. Để giải quyết tình trạng này, bạn đừng ăn quá no vào bữa tối. Đồng thời tránh ăn khuya để dạ dày có thời gian tiêu hóa.

Để các thiết bị điện tử ở xa tầm với

Tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng từ màn hình LED trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ có thể khiến đồng hồ sinh học của bạn bị thay đổi. Chúng làm bạn khó ngủ cũng như khó thức dậy hơn. Vì thế nên cố gắng để các thiết bị điện tử ở xa tầm với nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng chúng khi không cần thiết.

Tắt bớt đèn trong phòng ngủ

Rất khó để chợp mắt với những chiếc bóng đèn sáng trưng. Nghiên cứu chỉ ra ánh sáng càng yếu ớt thì bạn lại càng dễ tập trung vào giấc ngủ. Thói quen tắt bớt đèn trong phòng, hoặc chỉ để đèn ngủ giúp não bộ dần nhận biết được rằng sắp đến giờ đi ngủ.

Tắm nước ấm

Khi dần rơi vào giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể sẽ bắt đầu giảm xuống. Nó có thể tạo ra sự chênh lệch với nhiệt độ phòng. Nhất là vào những ngày nắng nóng. Tắm nước ấm giúp cơ thể tản nhiệt tốt hơn. Khoảng thời gian lý tưởng nhất để tắm nước ấm là khoảng 1-2 giờ trước khi đi ngủ.

Xem thêm: Ngạc nhiên chưa, tắm nước lạnh cũng đem lại lợi ích cho sức khỏe chẳng kém nước nóng!

Đọc một cuốn sách về chủ đề viễn tưởng

Sách giúp xoa dịu tâm trí. Đặc biệt là những cuốn sách về chủ để viễn tưởng. Kể cả khi bạn chỉ đọc khoảng 1-2 trang trước khi đi ngủ. Đọc sách vào buổi sáng sau khi thức dậy cũng là thói quen tốt.

Đặt báo thức vào một khung giờ nhất định trong ngày

Dậy đúng giờ vào buổi sáng là bước đầu tiên để điều chỉnh đồng hồ sinh học của bạn. Thời gian thức giấc cố định sẽ giúp thời điểm đi ngủ hàng ngày của bạn ổn định hơn. Sự nhất quán chính là chìa khóa quan trọng nhất để có một giấc ngủ chất lượng. Cùng với đó là tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua