9 loại cá ngon an toàn có thể thay thế cá biển

Nếu thích ăn cá, thì bạn cứ an tâm mà ăn cá, không phải cá nào cũng bị nhiễm độc. Còn nhiều cá ngon an toàn đang chờ bạn thưởng thức

Cá là nguồn cung cấp a-xit béo, omega-3 dồi dào, vitamin A, D, kẽm, i-ốt…rất tốt cho sức khỏe não bộ, hệ tim mạch, xương của mỗi người vì thế không nên ngừng ăn cá. Ngoài những loại cá biển đang bị nhiễm thủy ngân ở những vùng biển 4 tỉnh miền Trung nước ta, thì vẫn còn nhiều loại cá sông, cá đồng, cá nuôi lồng…không hề bị nhiễm độc và an toàn.

1. Cá lóc (cá quả)

Cá lóc là một loại cá ngon an toàn  là giống cá đồng, sinh sống tự nhiên ngoài đồng ruộng, ao hồ, kênh rạch, đầm suốt từ Nam ra Bắc. Cá có thịt vị ngọt, ăn lành, mát. Cá có quanh năm. Vì do không đủ lượng cung cấp nhu cầu tiêu thụ nên cá lọc được nuôi để đáp ứng nhu cầu nhưng thịt vẫn tương đối ngon. Cá lóc nuôi thường to hơn cá lóc đồng. Cá lóc đồng thường nhỏ, một con thường không tới 1kg. Món cá lóc phổ biến và nổi tiếng mà nhắc tới loại cá này là mọi người sẽ nghĩ tới ngay là canh chua cá lóc, hay các lóc kho tô. Bạn có thể lóc thịt cá ra khỏi xương, lấy phi-lê rồi ướp sả, ớt chiên giòn ăn với cơm trắng rất ngon. Ăn sáng, ăn xế có bánh canh cá lóc theo kiểu miền Trung. Cá lóc nướng trui, cá lóc hấp bầu, cá lóc nhồi thịt…là những món ăn thường thấy trong những bữa tiệc Nam Bộ.

Ca Ngon An Toan hinh anh 2

Cá lóc nướng trui ăn kèm bún và rau thơm

2. Cá kèo

Là loại cá sống ở cả vùng nước mặn và nước lợ, vùng ven biển Nam Bộ của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thịt cá mềm, béo, mật cá hơi đắng nhưng ngon. Một loại cá đặc sản của miền Nam. Bạn hãy an tâm mà thưởng thức loại cá ngon an toàn này.

Bạn có thể dùng cá để làm món ăn mặn như cá kèo kho rau răm, cá kèo kho lá giang, cá kèo kho tiêu cay. Món canh, lẩu cá kèo lá giang, lá me. Vị chua và vị chát nhẹ của lá giang, lá me sẽ giúp khử đi mùi tanh nhẹ của cá, giúp cá thêm ngon. Món ăn chơi có cá kèo nướng muối ớt, cá kèo chiên giòn chấm mắm me cay.

Ca Ngon An Toan hinh anh 3

Cá kèo kho

3. Cá bống

Cá bống là loại cá nhỏ gần giống cá kèo, có loại nhỏ hơn. Có rất nhiều loại cá bống khác nhau với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo từng vùng miền. Ở biển cũng có cá bóng, nhưng để an toàn, bạn nên chỉ chọn mua những loại cá bóng sống ở vùng nước lợ, nước ngọt, sông, suối, ao, rạch. Chẳng hạn như, cá bóng dừa là loại cá bóng sống ở vùng nước lợ. Một loại cá phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ. Bạn có thể kho cá với tiêu cay, kho khô ăn với cơm trắng rất ngon. Ở Quảng Ngãi, nổi tiếng với món cá bóng sông Trà, đặc sản top 50 món ăn ngon nhất Việt Nam. Những con cá bóng được kho trong nồi đất, thịt cứng chắc, bóng lưỡng, thơm lừng sẽ cho nhà bạn bữa ăn ngon lành, ngon miệng.

4. Cá rô

Sống ở môi trường nước ngọt và nước ngọt. Thịt cá béo, dai, nhiều thịt, nhiều xương hơn cá kèo. Có cả ở miền Nam và miền Bắc. Miền Nam thường dùng cá để kho tộ với ít thịt ba chỉ để tăng vị béo. Hay chiên giòn chấm nước mắm pha chanh ớt, tỏi băm nhuyễn. Miền bắc thường dùng cá rô để nấu canh. Cá nấu chín với nước, gỡ thịt để riêng, giã ( xay nhuyễn xương) hòa với nước luộc, sau đó lược qua rây để lấy nước trong rồi mới đem đi nấu với cải xanh, hay rau bồ ngót tùy ý. Nếu kho thì sẽ thường kho với khế chua thái lát mỏng. Ăn chơi có món bún cá rô dọc mùng.

5. Cá phi ( cá rô phi)

Là cá to hơn cá rô, mình dẹp chứ không căng tròn như cá rô. Cá sống ở vùng nước ngọt. Bạn có thể dùng cá để kho với tương hột theo kiểu miền Nam là kho nhiều nước, vị hơi nhạt, không mặm nhiều. Hay đem chưng với tương, gừng, hành và gia vị cũng rất ngon. Bạn cũng có thể kho cùng với tiêu cùng nước màu dừa. Vì cá to hơn cá rô nên khi chiên giòn, bạn nên khứa 2-3 đường trên lưng để các nhanh chín và được giòn.

6. Cá điêu hồng

Sống ở vùng nước ngọt. Hiện nay, cá được nuôi phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bạn có thể dùng cá để nấu canh thì là, cà chua và mẻ, hay đem om với dưa cải muối chua cho ra một món ăn thanh mát, không ngán. Cá điêu hồng không nên kho, sẽ không ngon. Bạn hấp cá với tương hột, gừng, ớt, hành sẽ ngon hơn. Nếu thích bạn có thể chiên với nước mắm hay gói giấy bạc nướng để làm phong phú cho bữa ăn.

7. Cá Basa

Là loại cá da trơn, được nuôi nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, là ở Châu Đốc, tỉnh An Giang có tượng đài cá Basa, nhằm tôn vinh loại cá này đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Bạn có thể dùng cá để nấu món canh chua măng, canh chua truyền thống ( bạc hà, đậu bắp, cà chua, giá sống, thơm). Món kho thì có cá basa kho tộ, cá basa kho riềng, cá basa kho hành ớt. Nếu muốn chiên, bạn nên lóc lấy phi-lê và tẩm sả ớt để chiên giòn.

8. Cá hồi

Ở Việt Nam, cá hồi được nuôi ở những vùng có khí hậu lạnh như Đà Lạt, Sapa, Sơn La, Lào Cai. Cá chủ yếu được nuôi từ dòng nước suối lạnh. Bạn có thể dùng đầu cá hồi hay vây cá, để nấu canh chua, nấu lẩu. Phần thịt phi-lê có thể thái lát, thái nhỏ đem áp chảo để làm gỏi, hay nấu cháo, xào lúc lắc với rau củ. Bạn có thể để nguyên miếng phi-lê tẩm ướp chút mù tạt, hay chút muối, tiêu đem nướng thơm lừng để làm món ăn tiệc. Ngoài ra, bạn có thể để nguyên da, khứa lát dày 1,5−2cm, cho vào nồi đất kho tộ với tiêu, mắm ớt trong thời gian nhanh, vì cá này nấu lâu thịt sẽ khô cứng, không ngon. Đây là một loại cá ngon an toàn và rất bổ dưỡng.

9. Cá trứng

Là một loại cá ngon. Ở nước ta thường được nhập khẩu và bán ở dạng đông lạnh, xuất xứ thường từ Nhật hay Na Uy. Khi chế biến cá trứng, bạn rửa sơ cá qua nước muối pha loãng hay rửa sơ qua nước gừng tươi để khử mùi. Cá trứng thì bạn chỉ nên chiên hay nướng là ngon nhất. Chẳng hạn như: cá trứng chiên giòn, cá trứng chiên xù, cá trứng nướng mọi, cá trứng nướng muối ớt, cá trứng quấn lá gừng tươi nướng than.

Ca Ngon An Toan hinh anh 4

Cá trứng nướng lá gừng tươi

Một số lưu ý khi ăn cá

-Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), bạn nên ăn cá nấu chín. Ăn cá sống hoặc chế biến chưa kỹ sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng cao. Vì các loại cá thường chứa nhiều vi sinh vật sống cộng sinh, vì thế ăn sống chúng sẽ dễ vào cơ thể, gây ngộ độc cho bạn.

– Bí quyết ăn cá của người Nhật. Họ có thói quen sử dụng wasabi ( mù tạt) khi ăn với các món cá. Wasabi được xem là một dược tính có tính khử độc cao. Đồng thời, tăng cường khả năng kháng khuẩn, chống nhiệm độc từ bên ngoài, làm giảm tích tụ các vi khuẩn. Và kết hợp ăn cùng với gừng tươi hay gừng ngâm chua cũng giúp tiêu hóa tốt, ấm bao tử.

Bài: Lê Giang

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua