“Em ở nhà nội trợ theo mong muốn của chồng và bố mẹ chồng. Em phụ bán tạp hóa, chăm con, chẳng ăn không ngồi rồi nhưng người nhà chồng không xem em ra gì cả”, Ngọc Thắm ngụ tại Q. 5, TP. HCM đã trút bầu tâm sự với tôi sau hơn 30 phút em phải nghe dì chồng “tổng sỉ vả”.
KHỔ VÌ SỐNG PHỤ THUỘC VÀO KINH TẾ
Chuyện bắt đầu chỉ vì 7 giờ sáng, dì út đi ngang nhà Thắm nhưng quán tạp hóa do mẹ chồng cô đầu tư từ A–Z cho vợ chồng Thắm vẫn chưa mở cửa. Dì ngứa mắt, gõ cửa ầm ầm và cũng bắt đầu dạy dỗ cháu dâu. Nào là “loại lười biếng”, “quen thói ăn rồi nằm ườn”, “sống tầm gởi mà còn không biết thân biết phận”, “đã dọn sẵn mâm cỗ mà phải chờ người khác tống vào mồm nữa sao”… và rất nhiều từ khó nghe khác.
“Trong khi dì chồng mắng sa sả thì bố mẹ chồng và chồng không ai can ngăn mà còn góp lời chỉnh đốn em. Hàng xóm thấy ồn ào thì quây lại xì xào. Em uất ức, bất lực quá mà không nói ra được nên xỉu luôn”, Thắm kể lại.
Không chỉ có vậy, bố mẹ chồng Thắm cũng chẳng bao giờ nói điều gì tốt đẹp hay tỏ ra hài lòng về con dâu. Mẹ chồng Thắm thường than với mọi người: “Học hành tử tế mà nó chẳng biết làm cái gì, cứ ì ra và ngửa tay cầm tiền của bố mẹ chồng. Giá nó biết ra ngoài, làm việc thì nhà này có phúc quá”.
Thắm quen với Hải khi cô còn là sinh viên. Vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chưa kịp xin việc, đôi trẻ đã vội có con rồi kết hôn. Sinh con xong, con bệnh triền miên nên Thắm ở nhà luôn. Chồng Thắm là con một, chỉ mới tốt nghiệp cấp II, quen được bố mẹ bảo bọc nên làm gì cũng được vài bữa rồi nghỉ. Cuộc sống của cả nhà Thắm dựa vào lương hưu và tiền tiết kiệm của bố mẹ chồng.
Ấy vậy nhưng khi tôi hỏi Thắm: “Em có dự định đi làm ở đâu không?”, Thắm tỏ ra ngán ngẩm: “Em bỏ kiến thức mấy năm rồi, đi dạy sợ không theo kịp người ta. Với lại, đi xin việc, liệu người ta có chịu nhận người chưa có kinh nghiệm như em. Lương mới ra trường cũng ít, chẳng biết có đủ tiền xăng đi lại hay không. Nếu xin việc văn phòng, em không năng động, chưa ra ngoài làm bao giờ, em sợ không chịu nổi. Với lại, em không nỡ xa con, chỉ sợ con không được chăm tốt”.
TÂM LÝ SỢ KHỞI ĐẦU
Tiếp Thị Gia Đình phỏng vấn 10 phụ nữ từ bỏ công việc để ở nhà nội trợ. Trong số này, có tới 8/10 bạn thừa nhận họ không được gia đình chồng tôn trọng. Chỉ có hai người cảm thấy bình thường và cả hai đều có những điều kiện thuận lợi như chồng có thu nhập cao, sống tự do, không “đụng chạm” với bố mẹ chồng.
Tuy nhiên, tất cả phụ nữ ở nhà thừa nhận mình có xu hướng lười biếng hơn, không có động lực để bắt đầu một công việc, cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Những khi căng thẳng, họ cũng muốn tìm việc làm nhưng rồi lại chùn bước vì lo sợ công việc khó khăn, bản thân ở nhà lâu sẽ không thích ứng được.
Trong số này, rất nhiều bạn có cơ hội việc làm nhưng lại không dám bước ra. Quế Thanh, người đã nghỉ việc năm năm nay, kể: “Một chị bạn rủ tôi đi làm nhân viên bán quần áo cho chị ấy. Tôi thấy mình không giỏi ăn nói, lại chẳng rành về thời trang, làm sao bán hàng được”.
Một chị khác lại đưa nguyên nhân: “Đi làm nhân viên lễ tân, thu nhập có hơn 2 triệu/tháng, thà ở nhà lo cho chồng con chu đáo, để chồng yên tâm làm kinh tế còn hơn. 2 triệu ở thời buổi này làm được gì”.
Hóa ra lý do của nỗi sợ, ngại ngần bước ra chủ yếu là vì suy nghĩ tiêu cực, chỉ nhìn thấy mặt xấu mà không nhìn tới mặt tốt của việc đi làm.
Mỗi ngày, chúng ta có khoảng hơn 50.000 suy nghĩ. Chỉ cần trong số đó có 10% suy nghĩ tiêu cực thì 10% đó cũng tương đương 5.000 ý nghĩ tiêu cực rồi. Đó là rào cản trói chân bạn ở nhà. Để bước qua điều này, bạn nên nhìn thấy những lợi ích khi đi làm.
8 LỢI ÍCH KHI BẠN RA NGOÀI ĐI LÀM
Các nhà khoa học khẳng định, suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn tới những cảm nhận và quyết định của bạn. Nếu suy nghĩ tiêu cực, bạn có xu hướng dễ đầu hàng, lười biếng trong khi suy nghĩ tích cực vực bạn dậy, tiếp năng lượng, sự nhiệt tình và quyết tâm cho bạn bước tới. Thay vì nghĩ đến những khó khăn đang chờ phía trước, bạn hãy nghĩ đến những lợi ích khi bạn có một công việc, chẳng hạn như:
1. Có công việc, hôn nhân của bạn sẽ hạnh phúc hơn
Các nghiên cứu cho thấy khi cả vợ và chồng đều đi làm, họ sẽ cảm thấy hài lòng về hôn nhân của mình hơn. Chồng sẽ giảm áp lực tài chính và bạn cũng có những mối quan hệ bên ngoài để thư giãn.
2. Tự chủ về nguồn tài chính của mình
Bạn có thể tùy ý quyết định sẽ mua gì cho mình mà không lo phải giải trình với chồng hay gia đình chồng. Độc lập tài chính là cách duy nhất để bạn giữ được vai trò, tiếng nói trong gia đình, được người nhà tôn trọng và có cuộc sống chất lượng.
3. Đi làm, để các con có cơ hội lớn khôn
Sai lầm lớn nhất của những phụ nữ ở nhà là chăm sóc con quá kỹ. Sự bảo bọc quá đáng khiến các con lệ thuộc, kém tự tin, dễ trở nên ích kỷ và khó thành công trong cuộc sống.
4. Có nền tảng tài chính bền vững
Theo một nghiên cứu, một phụ nữ khi nghỉ làm trong 3 năm thì sẽ từ bỏ khả năng kiếm tiền 37%. Điều này có thể đặt gia đình bạn vào tình trạng tài chính khó khăn, sẽ càng trầm trọng hơn nếu chồng bạn mất việc.
5. Đi làm, bạn sẽ quen biết, va chạm với nhiều người, nhiều tầng lớp
Đây là bảo bối giúp bạn học tập, tăng kiến thức, kỹ năng sống, mở rộng tầm nhìn để trở nên tự tin, mạnh dạn hơn và tìm thấy nhiều cơ hội trong cuộc sống.
6. Đi làm để thấy hài lòng về bản thân hơn
Đơn giản vì bạn đã tự chủ mọi mặt, không còn phụ thuộc, lo sợ ai. Bạn cũng sẽ nhìn cuộc sống với một lăng kính mới, sáng rõ và thông minh hơn.
7. Bạn sẽ đỡ vất vả hơn
Ở nhà có hàng tỷ công việc không tên khiến bạn phải làm suốt cả ngày. Điều đó còn căng thẳng và mệt mỏi hơn cả việc bạn đi làm nữa đấy!
8. Đi làm sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn
Nếu bạn ở nhà, bạn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở tuổi 40 cao hơn so với người đi làm. Thật khó để chồng và con bạn vui vẻ, hạnh phúc khi bạn không hạnh phúc, đúng như một câu ngạn ngữ có nói: “Khi người mẹ không hạnh phúc, không có ai hạnh phúc”.
Mục Gia đình – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình