Giáo dục truyền thống chỉ tập trung ba kỹ năng cơ bản gồm đọc, viết và làm toán. Song, với sự vận động của xã hội và tiến bộ công nghệ hiện nay, các kỹ năng này không đủ giúp học sinh có cơ hội thành công trong cuộc sống. Dưới đây là 8 kỹ năng trẻ cần có ở thế kỷ XXI.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ VÀ LÀM VIỆC NHÓM
Các kỹ năng thảo luận, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm cần được kết hợp chặt chẽ trong phương pháp giáo dục truyền thống. Để giải quyết vấn đề tốt và làm việc nhóm tốt, trẻ cần phối hợp 8 kỹ năng này một cách linh hoạt và sáng tạo. Đôi khi, sự thành công được định nghĩa là “có khả năng giải quyết vấn đề”.
TIN TƯỞNG CÁC KỸ NĂNG NÀY LÀ CẦN THIẾT
Trẻ cần hiểu rằng các kỹ năng này là cần thiết cho tương lai thay cho quan điểm chỉ cần đọc, viết và làm toán giỏi như trước đây. Muốn thế, giáo viên phải tin đây là 8 kỹ năng trẻ cần có ở thế kỷ XXI và hãy kết hợp chúng vào các bài học, giúp học sinh phát triển khả năng đặc biệt của bản thân.
KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO
Lãnh đạo không phải là đề cao cá nhân, chỉ đạo người khác như một số quan điểm trước đây. Thay vào đó, trong bối cảnh xã hội hiện đại, lãnh đạo đặc biệt đòi hỏi khả năng biết bồi dưỡng cộng sự, làm việc hướng tới mục tiêu chung và dám chịu trách nhiệm. Do đó, gia đình và giáo viên cần bồi dưỡng các tính cách này cho trẻ.
SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT SỐ
Vợi sự phát triển công nghệ hiện đại đến chóng mặt như hiện nay thù biết dùng thiết bị điện tử cũng là kỹ năng trẻ cần có ở thế kỷ XXI để học tập, tổng hợp các thông tin để có thông tin mới. Giáo viên có thể kết hợp ứng dụng kỹ thuật số vào bài giảng, hướng dẫn trẻ cách tự học, tìm hiểu thông tin liên quan bài học qua Internet, cách sử dụng các trang mạng xã hội, thậm chí là giải trí.
KHẢ NĂNG GIAO TIẾP
Sự giao tiếp hiệu quả khi người tham gia giao tiếp thu hẹp khoảng cách, thành thật chia sẻ thông tin để thêm hiểu biết lẫn nhau. Gia đình và giáo viên cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng giao tiếp tốt này, cụ thể như biết lắng nghe người khác, cởi mở trong các cuộc thảo luận, không phán xét.
TRÍ TUỆ CẢM XÚC EI
Cơ quan Quản lý nhân sự Hoa Kỳ định nghĩa trí tuệ cảm xúc (EI) là “một loại năng lực xã hội liên quan đến khả năng nhận biết cảm xúc bản thân và của cả người khác để có tư duy và hành động thích hợp”. Cùng với khả năng giao tiếp, trí tuệ cảm xúc rất cần thiết trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
TINH THẦN DOANH NHÂN
Nhắc đến doanh nhân, bạn nghĩ ngay đến kinh doanh. Song, từ điển Merriam-Webster đã định nghĩa cụ thể hơn: “Doanh nhân là người xây dựng một doanh nghiệp và sẵn sàng mạo hiểm, đối diện mất mát để kiếm tiền”. Nguyên tắc cơ bản của các doanh nhân là sự sáng tạo, chèo chống vì tập thể, dám đổi mới, có lòng đam mê. Một số sẽ nói rằng doanh nhân là người biết kinh doanh và phải có tầm nhìn, phấn đấu đạt lợi nhuận. Dù thế nào, điều trước tiên trong tinh thần doanh nhân mà bạn cần tập cho trẻ đó là một tư duy năng động.
CÔNG DÂN TOÀN CẦU
Với hệ thống giao thông, liên lạc hiện đại thu hẹp khoảng cách địa lý và nền kinh tế toàn cầu hóa, chúng ta phải thừa nhận mình là công dân của một hành tinh và cùng làm việc với nhau để sống. Trẻ cần hiểu vị trí của mình trong thế giới và bạn hãy hướng dẫn bé xem xét vấn đề đa dạng và sâu sắc hơn. Đây cũng là một kỹ năng trẻ cần có ở thế kỷ XXI.
Bài: AN AN
Mục Chuyên đề Giáo dục / Tiếp Thị Gia Đình