Mấy ngày nay trời âm u, tâm trạng ai cũng chán nản và uể oải. Vì sao vậy?

Cũng như nước và không khí, ánh nắng mặt trời là nguồn năng lượng duy trì sự sống của vạn vật. Trong đó có con người

Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời UVB và nó chiếm lỷ lệ đến 80–90%. (Ảnh: Shutterstock)

Ai trong chúng ta cũng đều được cảnh báo rằng đi dưới trời nắng có thể đối mặt với nguy cơ sạm, nám hay ung thư da. Thế nhưng, “tắm nắng” một chút thật sự rất tốt cho cơ thể. Ánh nắng mặt trời có thể xem là siêu thực phẩm mà không loại nào có thể thay thế được. Đặc biệt, nó còn miễn phí nữa chứ! Cùng TTGĐ điểm qua công dụng của ánh nắng.

Vitamin “ánh nắng”

Vitamin D là thành phần không thể thiếu để xây dựng và duy trì hệ xương chắc khỏe. Có hai nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể con người: từ ánh nắng mặt trời (nội sinh) và từ chế độ ăn (ngoại sinh). Công dụng của ánh nắng giúp cho cơ thể sản xuất ra vitamin D3. Trong khi đó, thức ăn cung cấp cho cơ thể vitamin D2. Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời UVB. Tỷ lệ chiếm 80–90%. Chỉ còn khoảng 10–20% do chế độ ăn uống cung cấp.

Công dụng của ánh nắng có thể điều trị các chứng trầm cảm nhẹ

Trầm cảm theo mùa (SAD) hay trầm cảm mùa đông thường xảy ra vào mùa lạnh giá và khá phổ biến ở các nước phương Bắc. Nguyên do là trong giai đoạn này có hiện tượng đêm dài, ngày ngắn và trời lại không thấy nắng. Thậm chí, nhiều nơi phủ kín một màu xám xịt, ảm đạm. Bên cạnh đó, những người làm việc nhiều giờ trong văn phòng kín và không hề tiếp xúc với ánh nắng cũng có thể bị chứng trầm cảm nhẹ này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nồng độ serotonin thấp có liên quan nhiều đến chứng trầm cảm theo mùa. Việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ kích hoạt sự giải phóng các chất chống trầm cảm tự nhiên trong não. Từ đó giúp cải thiện chứng trầm cảm theo mùa hay các chứng trầm cảm nhẹ khác. Thế nên, vào những ngày nắng, hormone “hạnh phúc” serotonin được não tiết ra nhiều hơn so với những ngày âm u. Vậy bạn đã hiểu vì sao vào những khi trời ảm đạm, chúng ta thường hay buồn rầu vu vơ rồi đấy!

Duy trì nhịp sinh học

Khi ánh sáng ban ngày lọt vào mắt của bạn, một tín hiệu sẽ được truyền đến não bộ để thông báo về việc tạm dừng sản sinh hormone melatonin. Đây là hormone khiến ta buồn ngủ. Nhờ đó, cơ thể bạn sẽ hiểu rằng “hết đêm rồi, thức dậy thôi”. Đến khi trời tối, một tín hiệu sẽ lại được gửi đến não bộ để kích hoạt quá trình sản sinh melatonin. Từ đó khiến bạn dần cảm thấy buồn ngủ. Như vậy, ánh nắng mặt trời góp phần rất lớn trong việc duy trì nhịp sinh học của con người.

Có lợi cho bệnh nhân Alzheimer

Một nhóm nhà khoa học đã xem xét các mẫu máu của người cao tuổi tham gia vào nghiên cứu tim mạch ở Mỹ. Kết quả cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có liên quan mật thiết tới các chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, một nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy ánh nắng mặt trời rất tốt cho bệnh nhân Alzheimer. Theo đó, nếu tiếp xúc ánh sáng vừa đủ có thể giúp những bệnh nhân này cải thiện một số triệu chứng như suy giảm chức năng, trầm cảm, giảm kích động và hạn chế thức giấc vào ban đêm.

Ngăn ngừa ung thư

Mặc dù ánh sáng mặt trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư da. Nhưng nó vẫn còn phù thuộc vào các yếu tố khác đi kèm. Trong một nghiên cứu những người sống ở khu vực có ngày ngắn đêm dài, kết quả thật bất ngờ. Khả năng mắc một số bệnh ung thư của họ còn cao hơn so với những người sống ở nơi có nhiều ánh nắng.

Vì vậy, nếu cơ thể hấp thụ một lượng ánh sáng mặt trời vừa phải; công dụng của ánh nắng có thể làm giảm nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư như ung thư ruột kết, gan, buồng trứng, tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Đặc biệt là ung thư vú.

Chữa lành rối loạn da

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tắm nắng cũng có thể giúp điều trị một số vấn đề về da như vẩy nến; mụn trứng cá, bệnh chàm hay nấm da. Một liệu pháp tắm nắng ngoài trời 4 tuần đã được thử nghiệm thành công ở bệnh nhân bị vẩy nến. Các triệu chứng của bệnh giảm hẳn ở 84% đối tượng nghiên cứu. Một số bệnh khác cũng cho thấy mức độ thuyên giảm rất khả quan. Tuy nhiên, phương pháp tận dụng công dụng của ánh nắng phải được thực hiện dưới sự giám sát y tế; nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và ngăn ngừa tác dụng phụ của các tia bức xạ.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là những chiến binh quả cảm. Nó sẽ giúp cơ thể chống lại tất cả những “thế lực” đe dọa tới sức khỏe. Và một cách dễ dàng để bạn có thể tiếp thêm sức mạnh cho hệ miễn dịch; cũng như tận dụng công dụng của ánh nắng chính là tắm nắng. Theo các bác sĩ, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp cơ thể tăng số lượng bạch cầu. Các “vệ binh” này sẽ là “lực lượng” chủ chốt giúp cơ thể chống lại bệnh tật, tiêu diệt virus. Ngoài ra, tiếp xúc với ánh nắng có thể khống chế hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Điều này giải thích tại sao ánh nắng được ứng dụng khi chữa trị các bệnh tự miễn như bệnh vẩy nến.

Mặc dù không đóng vai trò trực tiếp trong việc điều trị Covid-19, nhưng vitamin D lại là một trong những yếu tố thiết yếu. Theo các chuyên gia, công dụng của ánh nắng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, chúng còn hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là ở người già.

công dụng của ánh nắng

Một cách nhanh nhất để bạn tận dụng công dụng của ánh nắng cũng như tiếp thêm sức mạnh cho hệ miễn dịch chính là tắm nắng (Ảnh: Shutterstock)

Giảm cao huyết áp

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh đã tiến hành đo huyết áp của những người tình nguyện. Sau đó, họ yêu cầu các đối tượng này dành 20 phút dưới đèn nhuộm da bằng tia cực tím nhằm kiểm soát liều lượng ánh sáng tiếp xúc.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, huyết áp của những người tình nguyện đã giảm xuống. Các nhà khoa học tin rằng, ánh nắng hay các tia UV khiến nitơ lưu trữ trong cơ thể được giải phóng vào máu, làm giãn tế bào máu và hạ áp huyết.

Bạn đã biết tắm nắng chưa?

Tắm nắng là một cách đơn giản để cơ thể nạp đủ vitamin D. Mỗi người nên phơi nắng khoảng 15 phút/lần và ít nhất 3 ngày/tuần để tăng cường vitamin D. Khoảng 1-2 tuần sau khi sinh là trẻ đã có thể tắm nắng. Việc này giúp cơ thể bé tổng hợp vitamin D và hấp thu sữa mẹ tốt hơn. Trong thời gian đầu, bạn nên cho trẻ tắm nắng trong 10 phút. Sau đó, bạn tăng thời gian lên. Lưu ý, thời gian tắm không nên quá 20 phút mỗi ngày.

Dù là người trưởng thành hay trẻ em, da buộc phải tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời thì cơ thể mới sản xuất vitamin D hiệu quả. Lưu ý, không phơi nắng qua cửa kính. Tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào mặt, mắt hoặc đầu.

Thời gian tắm nắng lý tưởng từ 6 – 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Vào khoảng thời gian này, tia hồng ngoại và tia cực tím trong ánh mặt trời khá yếu nên an toàn cho da. Tuy nhiên, nắng khá gay gắt vào mùa hè. Do đó, bạn nên tắm nắng sớm hơn. Tốt nhất là trước 7 giờ sáng.

Lượng vitamin D cho mọi đối tượng

Bộ Thực phẩm và Dinh dưỡng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã thiết lập nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về lượng vitamin D cho mọi đối tượng. Theo đó:

Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: cần ít nhất 400IU/ngày.

Từ 1-18 tuổi: cần 600IU/ngày (tương đương 15mcg).

Từ 19-70 tuổi: cần từ 600 – 800IU/ngày (tương đương 15 – 20mcg).

Trên 70 tuổi: cần từ 800IU/ngày (tương đương 20mcg).

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: cần 600IU/ngày (tương đương 15mcg).

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua