8 chỉ số sức khỏe mà bạn cần phải biết tường tận

Chúng ta nhớ nhiều con số. Ví dụ như số điện thoại, số tài khoản, số dư sổ tiết kiệm, ngày sinh nhật… Nhưng bạn cũng cần nên nhớ thêm 8 con số này nữa. Đó là những chỉ số sức khoẻ

chỉ số sức khoẻ

Hãy quan tâm đến bản thân mình thông qua những chỉ số sức khoẻ. Ảnh: Shutterstock

Chúng ta nhớ nhiều con số. Ví dụ như số điện thoại, số tài khoản, số dư sổ tiết kiệm, ngày sinh nhật… Nhưng bạn cũng cần nên nhớ thêm 8 con số này nữa. Đó là những chỉ số sức khoẻ.

Cân nặng

Đừng sợ bước lên cân. Hãy đối diện với con số hiển thị trên màn hình. Cân nặng là chỉ số sức khoẻ. Nhiều người mải mê ngắm nhìn bản thân trong gương và nghĩ mình vẫn ổn. Đôi khi chiếc gương ấy không đúng với thực tế. Một số loại gương có thể năng biến chúng ta trông dài và gọn hơn. Hãy cân mỗi tháng hoặc mỗi 2 tuần để biết và có kế hoạch kiểm soát cân nặng của bản thân.

BMI

Chỉ số BMI (Body Mass Index) chỉ số khối cơ thể, cũng là chỉ số sức khoẻ. Chỉ số BMI chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành. Công thức tính BMI = cân nặng (kg) / chiều cao x chiều cao (m). Với người trưởng thành, chiều cao sẽ không thay đổi. Nhưng cân nặng thì có thể. Từ đó, chỉ số BMI sẽ thay đổi khi cân nặng thay đổi.

Ảnh: Shutterstock

Nếu chỉ số dao động từ 18,5 – 24,9 là bình thường. Thấp hơn 18,5 là gầy. Cao hơn 25 là hơi béo. Lưu ý, nếu chỉ số từ 30 trở lên là béo phì. Lúc này, bạn có nguy cơ cao các bệnh liên quan đến cân nặng như tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp và ung thư.

Cholesterol – chỉ số sức khoẻ cần đặc biệt lưu ý

Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol có 2 loại chính: LDL – Cholesterol “xấu” và HDL- Cholesterol “tốt’.

LDL – cholesterol đóng vai trò vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu thì có nguy cơ xuất hiện hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và phổi) gây xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa này dần dần có thể gây hẹp hay tắc mạch máu. Thậm chí có thể vỡ mạch máu đột ngột, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm; như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.

HDL – cholesterol chiếm khoảng 25 – 30% hàm lượng cholesterol có trong máu. Nó đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ máu đi về gan. Đồng thời cũng đưa cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa động mạch, hạn chế gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Hàm lượng LDL – cholesterol tăng và HDL – cholesterol có thể phụ thuộc vào các yếu tố gia đình, chế độ ăn uống; các thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá; không tập thể dục thường xuyên hoặc người mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường.

Thị lực

Theo năm tháng, thị lực có thể bị ảnh hưởng. Đôi khi mắt yếu dần dần và chúng ta không nhận ra. Cùng một cự ly ngồi xem tivi hoặc nhìn màn hình máy tính, nếu bạn phải nheo mắt lại để nhìn rõ; hoặc chờm người gần hơn về phía trước, đó là dấu hiệu của thị lực suy giảm. Đừng chỉ đo mắt qua loa. Hãy làm thêm các xét nghiệm khác để phòng ngừa sớm các bệnh về mắt do tuổi tác; như cườm khô, đục thuỷ tinh thể…

SPF

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa cho biết hầu hết kem chống nắng đang gây hiểu lầm với người tiêu dùng nhiều năm qua. Cụ thể, thông tin chỉ số SPF càng cao thì càng chống nắng được lâu theo quy tắc 1 SPF = 10 phút là không chính xác. Các nhà khoa học khuyên chúng ta chỉ lựa chọn sản phẩm có SPF tối thiểu là 30 và tối đa là 50 (mà không cần cao hơn). Và bạn cần thoa lại kem sau mỗi 2 giờ ở ngoài trời nắng.

Chỉ số SPF càng cao không có nhiều khác biệt trong bảo vệ khỏi ánh nắng. Ảnh: Shutterstock

SPF cao hơn nữa là một sự tiêu pha lãng phí không cần thiết vì hiệu quả mang lại cũng không thật sự khác biệt. SPF30 lọc được 97% UVB, SPF50 lọc được 98% UVB. Trong khi SPF70 lọc được 98.6% UVB và SPF90 lọc được 98.9% UVB. Chưa kể, chỉ số SPF càng cao càng làm da bị bưng bít, nặng nề và dễ gây mụn.

Calories

Giảm, duy trì hay tăng cân, mục tiêu nào cũng cần có số lượng calories cụ thể mỗi ngày. Nếu muốn giảm cân, lượng calo bạn nạp vào phải ít hơn lượng calo bạn đốt cháy. Làm điều ngược lại nếu bạn muốn tăng cân. Nếu để duy trì hình thể, một người trưởng thành cần nạp 2000-2500 calo/ngày.

Nhịp tim

Đừng nghĩ chỉ có người bị cao huyết áp thì mới cần theo dõi huyết áp và nhịp tim mỗi ngày. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim nếu lơ là chỉ số nhịp đập trong trạng thái bình thường.

Đối với người từ 18 tuổi trở lên, nhịp tim bình thường trong lúc nghỉ ngơi hoàn toàn dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Thông thường, người có thể trạng càng khỏe mạnh, thì nhịp tim càng thấp. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp; khi ở chế độ nghỉ ngơi, nhịp tim trung bình của họ chỉ khoảng 40 nhịp một phút.

Chỉ số sức khoẻ còn thể hiện qua nhịp tim. Ảnh: Shutterstock

Ngày hẹn đi chụp tầm soát ung thư vú

Với phụ nữ, phát hiện sớm ung thú vú là chìa khóa để sống sót. Một trong những công cụ hiệu quả nhất trong phát hiện và chẩn đoán sớm là chụp x quang tuyến vú. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt là nếu bạn trên 40 tuổi; thì nên có đặt lịch hẹn với bác sĩ định kỳ hàng năm.

Hy vọng những chỉ số sức khoẻ trên sẽ giúp bạn quan tâm đến sức khoẻ của chính mình nhiều hơn.

Bài: AV
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua