1. Hai mươi phút đọc sách đầu giờ học: Đọc sách không chỉ giúp các em có thêm kiến thức, tạo môi trường tập trung, mà quan trọng hơn là bồi đắp tâm hồn, cảm xúc, hoàn thiện tính cách của các em.
2. Phạt nghiêm khắc: Mục đích của hình thức kỷ luật là giúp các em có thái độ chuẩn mực, biết tôn trọng những người xung quanh, bất kể đó là cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay cô lao công.
3. Giáo viên chủ nhiệm theo lớp sát sao: Ngoài giờ học, giáo viên chủ nhiệm cũng theo dõi việc ăn, ngủ của các em tại trường. Chính nhờ theo dõi sát sao nên thầy cô chủ nhiệm kịp thời ngăn chặn mọi mâu thuẫn giữa học trò.
4. Xây dựng cộng đồng nhân văn: Thầy Uy cho biết: “Khi tạo được ý thức trong mỗi học sinh, xây dựng không gian thân thiện trong lớp học, môi trường nhà trường sẽ là cộng đồng nhân văn và nhà trường sẽ không cần đến bộ phận giám thị”.
5. Phân tích công bằng: Khi có mâu thuẫn giữa học trò, thầy cô có trách nhiệm phân tích đến cùng, giúp các em nhận ra lỗi lầm, biết xin lỗi bạn. Không bỏ qua sự việc để tránh những uẩn ức tích tụ trong lòng các em.
6. Ưu tiên giáo dục kỹ năng nền tảng: Nhà trường thiết kế chương trình giáo dục nền tảng gồm giáo dục các kỹ năng, cảm thụ nghệ thuật, thể dục thể thao và môi trường. Tất cả những kỹ năng này giúp các em biết rung cảm, giao tiếp và ứng xử đúng mực hơn.
7. Khen trước mọi người, chê nơi ít người: Khi giáo viên không hài lòng về hành vi của học sinh, sẽ nhắc nhở và đánh giá riêng, bảo mật về các khiếm khuyết, sai lầm… giúp các em tự tin và giữ được hình ảnh tốt của mình trước mọi người.
8. Cho các em tiếp xúc với những hoàn cảnh thực tế: Mỗi học kỳ, học trò được đi thực tế hai lần. Các em sẽ đến thăm các cụ già neo đơn, nghèo khổ, những người có số phận bất hạnh… Đây là cách hướng các em đến sự đồng cảm và biết yêu thương mọi người.
Theo Tiếp Thị Gia Đình