7 việc nên làm khi bị chồng kiểm soát

Người chồng thích sở hữu sẽ luôn muốn kiểm soát và áp đặt vợ. Nếu bạn rơi vào trường hợp đó, hãy mạnh dạn thay đổi

Sau nhiều năm sống với chồng, có bao giờ bạn thấy mình thay đổi quá nhiều? Bạn có thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt? Những thay đổi nơi bản thân hay cuộc sống ngột ngạt có phải là do bạn bị chồng kiểm soát? Vậy làm thế nào để biết mình có bị kiểm soát quá mức hay không? Làm thế nào thoát khỏi sự kiềm tỏa ấy để chung sống bình đẳng với chồng?

BẠN NÊN LÀM GÌ?

Sẽ không dễ dàng để bạn thoát khỏi sự kiểm soát quá mức của chồng và được sống theo cách mình muốn.

Nếu bạn yêu anh ấy quá nhiều hay phụ thuộc về kinh tế thì sẽ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, đã đến lúc bạn cần làm chủ cuộc đời mình. Điều này không chỉ tốt cho bạn mà con cái cũng sẽ được hưởng lợi từ một người mẹ tự tin và vui vẻ.

Hôn nhân tồn tại phải dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, hài lòng và hạnh phúc của cả hai. Bạn không thể mãi sống cuộc đời theo cách người khác muốn.

Trước hết hãy nhớ rằng, bạn chỉ cần là chính mình, bình đẳng trong mối quan hệ của hai người và bạn không chống lại anh ấy. Bạn có thể bắt đầu tìm lại chính mình bằng những cách sau:

Hợp tác cùng nhau

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, việc hợp tác cùng nhau là cực kỳ quan trọng. Hợp tác nghĩa là quan hệ bình đẳng, không có chủ cũng như không ai là tớ trong mối quan hệ giữa hai người. Hãy chỉ ra cho anh ấy biết rằng, những hành vi kiểm soát của anh ấy khiến bạn căng thẳng và vô cùng khó chịu. Ngay từ bây giờ, hãy tỏ rõ hai bạn ngang bằng nhau và bạn có quyền đưa ra ý kiến của mình.

Cho anh ấy biết bạn đã là người lớn

20150713-Gia-dinh-chong-Kiem-soat-2615-03

Hãy mạnh dạn khẳng định một thực tế rằng bạn không phải là trẻ con. Bạn đã trưởng thành, có năng lực cá nhân để chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bạn không cần anh ấy đóng vai cha mẹ để dìu dắt bạn nữa.

Mạnh dạn đưa ý kiến

Nếu anh ấy không bao giờ muốn tranh luận mà chỉ muốn bạn nghe theo anh ấy, hãy mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình. Lần đầu “lên tiếng” có thể khiến bạn bối rối hoặc khiến anh ấy ngạc nhiên, nhưng hãy mạnh mẽ vượt qua “lầu đầu” ấy. Đây là cách buộc anh ấy lắng nghe bạn.

Làm những điều mà bạn thích

20150713-Gia-dinh-chong-Kiem-soat-2615-05

Hãy làm những điều bạn thích cho chính bản thân bạn như kiểu tóc bạn muốn, sơn màu móng bạn thích hoặc diện bộ trang phục bạn thấy đẹp.

Đó là cơ thể bạn, gu thẩm mỹ của bạn và không ai có quyền ép buộc bạn phải làm theo ý thích của họ. Nếu bạn lo anh ấy sẽ phản ứng tiêu cực, bạn có thể bắt đầu bằng cách thỏa hiệp như: “Em mặc cái áo anh thích rồi, vậy em sơn màu móng em thích nha! Lâu lâu cho em được làm điều em thích chứ!”.

Những lời nói ngọt ngào kèm theo một nụ cười sẽ là cách để bạn dần đảo ngược tình thế. Điều này đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo của bạn. Đừng sợ, hãy thay đổi dần dần, anh ấy sẽ tự thích nghi.

Âm thầm thực hiện những kế hoạch của bản thân

Nếu bạn dự định làm điều gì đó cho sự nghiệp hay cuộc sống của mình, hãy âm thầm thực hiện. Vì nếu chồng bạn là người thích kiểm soát, anh ấy sẽ ngăn cản bạn. Sau khi có kết quả và đạt được những mục tiêu của riêng mình, hãy cho anh ấy biết.

Đây là lúc bạn cho anh ấy biết về những quyết định tốt mà bạn làm cho chính mình. Nó phù hợp và tốt cho bạn mà không làm ảnh hưởng tới người khác. Điều này cũng là một lời khẳng định: “Em vẫn làm tốt dù không có ý kiến hay sự giúp đỡ của anh”.

Tránh mặt khi cần thiết

20150713-Gia-dinh-chong-Kiem-soat-2615-04

Khi anh ấy trao đổi với bạn về một vấn đề gì đó, anh thường giành toàn bộ quyền kiểm soát và chỉ muốn bạn lắng nghe. Anh cố ý lôi kéo bạn nghĩ theo anh. Chồng bạn có thể cố ý làm bạn mủi lòng để hoàn toàn nghe theo anh ấy. Người thích kiểm soát người khác thường cố gắng kéo dài cuộc nói chuyện để đánh vào lòng trắc ẩn, tình yêu của bạn dành cho họ. Nếu thấy bản thân bắt đầu lung lay, xuôi theo ý muốn của chồng, bạn hãy nhanh chóng rời khỏi cuộc trò chuyện đó để lấy lại bình tĩnh.

Hãy tự tin

Người thích kiểm soát bạn sẽ luôn khiến bạn tin rằng bản thân yếu kém và cần sự hướng dẫn của họ. Bạn hãy nhớ rằng mình đã trưởng thành và đủ tự tin để đối mặt với khó khăn. Đừng sợ khi phải đi ngược lại ý kiến của ​​họ. Nếu bạn tự tin một lần, bạn sẽ có động lực để tự tin trước anh ấy.

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO BẠN

♦ Người thích kiểm soát người khác có thể có những rối loạn tâm thần lâm sàng hoặc bị tác động bởi các yếu tố như từng bị cha mẹ ngược đãi trong thời thơ ấu. Những người như vậy cần sự giúp đỡ của bác sỹ hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý.

Bạn không thể giúp họ, nhưng hãy mạnh dạn để không phải là nạn nhân của họ. Chú ý những hành vi đe dọa từ người ấy. Người luôn kiểm soát người khác một cách thái quá có thể sẽ đe dọa khi bạn chống lại hoặc dọa tự tử nếu bạn không nghe theo anh ấy.

Đừng vì sợ hãi mà chịu đựng điều đó một mình, hãy tìm sự giúp đỡ của người khác khi cần.

ĐỂ KHÔNG BỊ KIỂM SOÁT

20150713-Gia-dinh-chong-Kiem-soat-2615-02
Để bắt đầu một cuộc hôn nhân bình đẳng và tránh bị kiểm soát, ngay từ khi mới chung sống, bạn có thể chuẩn bị những điều như:

♦ Rõ ràng về tiền bạc: Hai bạn có thể thảo luận về những khoản chi tiêu trong nhà, số tiền kiếm được và phân bổ hợp lý.

♦ Trung thực với chính mình và làm những gì bạn cho là đúng và khiến bạn hạnh phúc.

♦ Luôn tập trung vào những điều tích cực, vì đây là cách giúp bạn đối phó trước những tình huống bạn yếu thế.

♦ Đừng để người khác sống giùm bạn. Cuộc đời là của bạn và bạn có quyền quyết định mình nên làm gì.

♦ Người thích kiểm soát sẽ cách ly bạn khỏi gia đình, người thân và bạn bè để dễ bề quản lý. Bạn nên cố gắng giữ gìn mối quan hệ với người thân, bạn bè càng nhiều càng tốt.

♦ Người thích kiểm soát thường thích sở hữu bạn hoặc ghen tuông quá mức. Bạn nên nhận ra và phân biệt giữa yêu thương với sở hữu.

TT000_Giadinh_Kiemsoat_2615.indd

Mục Gia đình – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua