Vẽ tranh là hoạt động tập thể dục cho não bộ. Các hoạt động sáng tạo như vẽ giúp não phát triển vì phải sử dụng cả hai bán cầu não. Lợi ích của việc cho trẻ học vẽ là não phải được sử dụng cho các phản ứng cảm xúc và sáng tạo, não trái giúp trẻ có kỹ năng phân tích và logic.
Ở trẻ nhỏ, não đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nếu được kích hoạt bằng các hoạt động sáng tạo như vẽ, trẻ có thể phát huy tối đa tiềm năng não bộ của mình.
Lợi ích của việc cho trẻ học vẽ mở cánh cửa quyền năng
1. Thế giới của sáng tạo không giới hạn:
Vẽ là lúc trẻ học cách suy nghĩ với tâm trí cởi mở, tự do. Trẻ nhìn nhận các tình huống, sự vật, sự việc một cách sáng tạo. Khi vẽ, trẻ thể hiện bản thân sâu sắc thông qua những nét vẽ, không giới hạn trong lời nói. Việc quan sát, đánh giá, lựa chọn các khía cạnh của một đối tượng cần vẽ… Lợi ích của việc cho trẻ học vẽ là giúp trẻ rèn luyện tư duy phê phán và đưa ra các quyết định.
2. Cảm giác hoàn thành, xây dựng sự tự tin:
Với mỗi bức tranh trẻ tự hoàn thành, dù nó là bông hoa méo mó, dù con mèo biến thành con… lợn, nhưng đó là thành quả của trẻ. Trẻ tự hào vì mình đã hoàn thành được một bức tranh trọn vẹn. Cảm giác hoàn thành, chinh phục được một lĩnh vực chính là “thần dược”; giúp trẻ tự tin hơn trong việc chinh phục những mục tiêu khác.
3. Vui vẻ, giảm stress:
Vẽ là hoạt động của cảm xúc. Sau những giờ học ở trường, lợi ích của việc cho trẻ học vẽ là cách để bé xả hết căng thẳng vào sắc màu. Bên cạnh đó, cảm giác hoàn thành một bức tranh đem lại sự hưng phấn, tích cực, xua đi cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi.
4. Nhạy cảm và tinh tế hơn khi nhìn đời, nhìn việc:
Yêu hội họa, trái tim bé sẽ rất cởi mở trước các hoạt động sáng tạo khác. Khi máy móc đang lăm le chiếm hết những việc tay chân của con người, một khối óc và một trái tim nghệ thuật tinh tế, nhạy cảm, sáng tạo chính là tấm vé đưa bé đến thành công.
5. Rèn sự khéo léo:
Làm việc với những ngón tay khi vẽ là cách khuyến khích vận động, rèn luyện sự khéo léo. Lợi ích của việc cho trẻ học vẽ là giúp phát triển sự phối hợp của hai mắt trong việc đưa ra cái nhìn tổng thể và chính xác.
6. Trải nghiệm như một nhà khoa học:
Trong khi vẽ tranh, con bạn cũng đang thử nghiệm và suy nghĩ như một nhà khoa học. Chỉ cần bạn cho phép con trộn màu với nhau để tạo ra sự kết hợp mới, con sẽ có cơ hội để học hỏi thêm nhiều lĩnh vực khác, bên ngoài nét vẽ.
7. Cơ hội để trò chuyện cùng con, giúp con giao tiếp tốt lên:
Bức tranh hoàn toàn có thể biến thành một chủ đề trò chuyện thú vị trong gia đình nếu bạn biết đánh giá và đặt ra những câu hỏi mở, khơi gợi để con trổ tài thuyết trình. Lợi ích của việc cho trẻ học vẽ còn là giúp bé có khả năng tự tin trong giao thiệp sau này.
Chuẩn bị gì cho con học vẽ?
– Không gian vẽ:
Không gian cho bé vẽ không nên có đồ đạc khó giặt tẩy khi dính màu, sơn như giường nệm, quần áo… Dụng cụ bé cần là một chiếc bàn phẳng. Chiếc bàn này nên được phủ bằng khăn hoặc giấy báo để hạn chế dây bẩn màu.
Một số mẹ trải những tấm bìa carton lớn rồi đặt bàn vẽ, dụng cụ vẽ lên. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian công sức lau dọn.
– Quần áo bảo vệ:
Chẳng có bé nào kết thúc một buổi chơi đùa với sắc màu giữ được một bộ trang phục tinh tươm. Đủ các loại màu sẽ in hằn trên quần áo. Bạn nên sắm cho con chiếc tạp dề học vẽ. Nếu không, bạn có thể dùng tạp dề nấu ăn hoặc khoác cho con chiếc áo sơ mi cũ.
– Nguyên liệu vẽ:
Bút, màu nước, màu sơn. Thông thường, trẻ nhỏ nên dùng bút chì màu và bút sáp. Trẻ lớn hơn có thể dùng bút lông và màu nước. Trẻ 10 tuổi trở lên mới nên thử sức với các vật liệu vẽ tranh sơn dầu. Nguyên liệu thứ hai là giấy. Bạn cần mua loại giấy vẽ chuyên dụng. Bé vẽ dễ dàng sẽ thích thú hơn với hội họa.
Bài: XOA XOA
Tiếp Thị Gia Đình