Trong một nhà hàng, tôi nghe người mẹ than vãn với cô bạn: “Sao tôi chẳng bao giờ nhờ con được việc gì!”.
– Đâu, tui thấy bà nhờ nó suốt ngày.
– Nhờ gì mà nhờ.
– Tui nghe hoài: “Con ăn ít lại cho mẹ nhờ. Con bớt làm biếng cho mẹ nhờ. Con bớt chơi game cho mẹ nhờ”. Nghe bạn nhắc đến nước này, bà mẹ chỉ lắc đầu cười.
Để không rơi vào hoàn cảnh như bà mẹ trên, bạn phải làm sao? Ban chuyên gia tâm lý của Tiếp Thị Gia Đình cho rằng: Theo các nghiên cứu, mỗi người có xu hướng chống lại mệnh lệnh của người khác. Trẻ con cũng vậy, thường kháng lại yêu cầu của cha mẹ. Vì vậy, bạn nếu bạn muốn dạy con làm việc nhà hãy giúp trẻ vượt qua ngưỡng tâm lý này bằng sáu cách sau:
1. NÓI CỤ THỂ VỚI CON VIỆC CẦN LÀM VÀ THỜI GIAN HOÀN THÀNH
Thay vì nói: “Dọn phòng của con”, bạn có thể thử nói: “Con hãy cất 10 món đồ chơi này vào tủ trong 3 phút nhé”. Thay vì nói: “Giúp mẹ giặt đồ đi”, bạn hãy thử: “Mẹ cần sự giúp đỡ của con trong 10 phút để lấy áo quần từ giỏ đồ bẩn cho vào máy giặt. Sau đó, con có thể chơi”.
2. KHÔNG CHỈ TRÍCH
Đây có lẽ là điều quan trọng nhất khi dạy con làm việc nhà. Nếu trẻ tập đập trứng vào tô để rán và làm rớt trứng xuống sàn nhà, thay vì chỉ trích, bạn hãy cho con biết đây là điều rất bình thường đối với trẻ tập làm bếp: “Điều buồn cười trong nấu ăn là chúng ta thường phải rất hậu đậu cho đến khi thành thục”.
3. ĐÀO TẠO
Trẻ không biết làm thế nào để quét nhà hoặc rửa bát. Vì vậy, bạn cần hướng dẫn cho con một cách ngắn gọn, vui vẻ để bé tham gia vào một công việc mới. Ví dụ: “Bé Bo, con muốn biết cách quét nhà phải không? Trước tiên, con cầm chổi và quét thế này (bạn làm mẫu cho bé). Mình phải quét kỹ ở các góc nữa. Con thử nhé!”.
4. HÁT
Trong các trường mẫu giáo ở nước ngoài, bất cứ lúc nào học sinh cùng làm sạch bàn ghế hoặc rửa tay, giáo viên sẽ mở bài hát về làm sạch và hát với các em. Âm nhạc làm mọi người vui vẻ, lạc quan, tăng cảm giác dễ chịu, thư giãn cơ bắp và khiến trẻ xem việc làm sạch giống như một trò chơi vui nhộn. Lúc này, âm nhạc còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, sự chú ý và linh hoạt nữa.
5. KHEN THƯỞNG
Hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu nếu việc mình thực hiện được mọi người đánh giá cao. Trẻ em cũng cảm thấy như vậy. Cho nên, bạn có thể nói: “Mẹ đánh giá cao vì con đã hoàn thành tốt công việc. Nhờ có con giúp đỡ mà việc nhà đã hoàn thành sớm hơn. Bây giờ, mẹ cho con chơi trò… (trò bé thích) khoảng… (1 giờ)”. Điều này cũng sẽ giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và qua đây bé cũng hiểu cách làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao sự đóng góp của người khác.
6. KHÔNG YẾU LÒNG KHI TRẺ NHÕNG NHẼO, PHÀN NÀN
Một số trẻ sẽ nói: “Sao mẹ không làm mà là con?”. Bạn có thể trả lời ngay: “Trong gia đình, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi chúng ta đều phải làm việc phù hợp với độ tuổi và khả năng. Đó là sự công bằng”. Dạy con làm việc nhà cũng là một bước trong quá trình giúp bé nhận ra giá trị, khả năng của mình và hiểu về sự đóng góp với gia đình và xã hội sau này.
Bài: AN AN
Mục Mẹ và con / Tiếp Thị Gia Đình