6 lưu ý khi dùng chảo chống dính để tránh độc tố “gõ cửa”

Sau một thời gian sử dụng, chảo chống dính sẽ có hiện tượng trầy xước, bong tróc và gây nên mối nguy hại cho sức khỏe. Vậy làm thế nào để giữ cho chảo được bền lâu như khi mới mua?

Ảnh: Shutterstock

Chảo chống dính thường được làm bằng nhôm hoặc inox và được phủ một lớp chống dính. Nhờ công năng chống dính nên vật dụng này là trợ thủ đắc lực trong việc giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian nấu nướng mà món ăn vẫn thơm ngon.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên không nên sử dụng khi bề mặt chảo bị trầy xước quá nhiều. Chất keo bên dưới lớp chống dính sẽ bám vào thức ăn. Nghiêm trọng hơn, khi nấu ăn với lửa lớn, nhiệt độ cao sẽ gây ra quá trình phân hủy chất keo. Từ đó sản sinh ra chất độc càng nhiều. Để hạn chế tối đa nguy hại đến sức khỏe của bạn lẫn những người thân trong gia đình, hãy làm theo những hướng dẫn sau đây nhé!

Không dùng chảo để kho

Các món kho thường sử dụng nhiều muối và nước mắm. Đây là 2 nguyên liệu dễ làm phân hủy lớp chống dính trên chảo. Các nhà sản xuất luôn khuyến cáo người dùng không nêm mắm muối trực tiếp khi đang sử dụng chảo chống dính trên lửa. Điều này sẽ khiến bề mặt chảo dễ bị rỗ, hư hại lớp chống dính và giảm tuổi thọ chảo.

Gỗ – bạn đồng hành thân thiện

Việc dùng vá hoặc đũa kim loại để đảo thức ăn trong khi nấu nướng khiến cho lớp chống dính dễ trầy xước. Vì thế, tốt nhất bạn nên dùng dụng cụ bằng gỗ hoặc tre. Cách làm này sẽ không gây tổn hại bề mặt chảo. Bên cạnh đó, việc dùng gỗ cũng không để lại mùi vị khó chịu giống như kim loại. Đặc biệt là giúp hạn chế bị bỏng trong lúc nấu nhờ vào khả năng dẫn nhiệt chậm.

Vệ sinh chảo chống dính

Trong quá trình vệ sinh, bạn không nên chùi rửa chảo bằng miếng rửa kim loại. Điều này sẽ làm lớp chống dính bị bong tróc, khiến chảo nhanh hư. Thay vào đó, bạn có thể vệ sinh chảo chống dính bằng xơ mướp, bọt biển, miếng rửa chén bằng silicon hoặc khăn mềm để bảo vệ lớp chống dính được bền lâu.

Khi mới mua về, bạn nên rửa chảo chống dính bằng nước rửa chén. Sau đó bôi một lớp nước cà phê lên mặt chảo và hâm nóng. Như thế chảo sẽ được rửa sạch an toàn và không có mùi khó chịu.

Không rửa khi chảo còn nóng

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm chảo/nồi bị biến dạng và lớp chống dính cũng bị bong tróc theo. Tốt hơn hết, bạn nên để các vật dụng này nguội bớt rồi mới rửa. Trong trường hợp có các “vết bẩn cứng đầu”, bạn nên ngâm trong nước 30 phút trước khi rửa.

Phân biệt lớp chống dính tốt

Chảo có lớp chống dính mỏng thường hơi nhám và dễ trầy nên chỉ dùng để chiên ở nhiệt độ thấp và vừa. Bạn không nên dùng chảo này để xào.

Chảo chống dính dày thường sẽ phủ 3 – 5 lớp chống dính dày tạo nên độ mịn, sờ vào thấy mát tay và có độ bền cao nên thích hợp để chiên và xào. Một số thương hiệu nổi tiếng có thể chọn lựa như Elmich, Supor hoặc dòng chảo đá cao cấp của Happycook, Sunhouse…

“Buông tay” khi cần thiết

Khi chảo đã bị tróc lớp chống dính cũng là lúc bạn cần nói lời tạm biệt và sắm món đồ mới. Theo các chuyên gia khuyến cáo, sau khoảng 1 – 2 năm là lúc bạn nên đổi chảo chống dính. Việc nấu ăn với nhiệt độ cao thường xuyên sẽ làm cho các chất chống dính phần nào biến đổi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Lúc này lớp chống dính cũng không còn tốt như ban đầu.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua