6 điều cần chuẩn bị trước khi hiến máu

Ngoài máu, cơ thể bạn cần được chuẩn bị nhiều thứ hơn để thực hiện suôn sẻ nghĩa cử cao đẹp này

Hôm đó, em trai hỏi tôi đi hiến máu có cần chuẩn bị gì không. Tôi bình thản trả lời em to khỏe thế lấy chút máu có gì mà phải lo. Mấy hôm sau, em đi taxi về trong tình trạng mệt mỏi, da tái. Thì ra, em bị xỉu sau khi cho máu do sinh hoạt không điều độ trước khi đi hiến máu. Rõ ràng, không chỉ về tâm lý, các tình nguyên viên hiến máu cũng nên biết cách chuẩn bị thật tốt về mặt sức khỏe.

1. Hiểu rõ quy định

Để được hiến máu, tình nguyện viên cần có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm. Người bị cảm lạnh, giộp miệng, ho có virus hoặc đau bụng tránh hiến máu bởi bạn có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Theo quy định, máu của người có dư lượng thuốc kháng sinh không đủ điều kiện hiến tặng. Mỗi quốc gia có quy định riêng về độ tuổi hiến máu, chẳng hạn, nhiều nơi yêu cầu trẻ 16 – 17 tuổi cần có sự cho phép của cha mẹ để tham gia. Song, nếu bạn đã hiến máu khoảng 56 ngày trước thì lần này bạn chưa đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, nếu bạn có làm răng đơn giản trong vòng 24 giờ hoặc can thiệp nha khoa lớn vào tháng trước cũng không đủ điều kiện. Các can thiệp nha khoa nói chung có thể khiến vi khuẩn lây nhiễm vào máu. Cuối cùng, bạn cần lịch hẹn để có thời gian chuẩn bị và đảm bảo yêu cầu cho việc này.

2. Ăn đủ chất

Hai tuần trước khi hiến máu, bạn cần cung cấp thực phẩm giàu sắt để giúp hệ thống máu khỏe mạnh và dễ phục hồi. Nhóm thực phẩm giàu sắt gồm cải bó xôi, ngũ cốc, cá, thịt gia cầm, đậu, nội tạng, trứng và thịt bò. Bạn cũng nên nạp vitamin C qua trái cây hoặc uống viên nén vì đây là chất xúc tác giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

Khi đi hiến máu, bạn nên mang theo một chai nước cam để uống sau khi làm xong. Đồng thời tránh ăn thực phẩm giàu chất béo 24 giờ trước khi hiến máu. Lượng mỡ này có thể làm thay đổi các chỉ số an toàn sức khỏe.

3. Ngủ đủ giấc

Trước khi hiến máu, bạn cần ngủ đủ giấc. Giấc ngủ giúp bạn cảm thấy khỏe và tỉnh táo hơn và giảm các rủi ro thường gặp. 7–9 tiếng là hợp lý cho một đêm ngủ đủ giấc.

4. Uống đủ nước

Nguyên nhân dẫn đến ngất xỉu và chóng mặt khi hiến máu là do tụt huyết áp hoặc đường huyết. Nguy cơ này sẽ giảm đáng kể khi cơ thể bạn đủ nước. 24 giờ trước khi hiến máu, bạn nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây. 3 giờ trước khi tiến hành, bạn cần bổ sung 4 ly cỡ lớn. Nếu hiến tiểu cầu hoặc huyết tương, con số này là 4–6 ly nước.

5. Cần tránh làm gì

Khi sắp hiến máu, bạn không nên hút thuốc, tránh các đồ uống có cồn trước 24 giờ, tránh dùng thuốc giảm đau hoặc NSAID (thuốc chống viêm không steroid) và không nhai kẹo cao su, kẹo bạc hà. Những hành động này có thể làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bạn.

6. Chuẩn bị tinh thần

Căng thẳng sẽ dẫn đến giảm huyết áp, gây chóng mặt. Bạn hãy hít một hơi thật sâu hoặc cấu nhẹ vào tay cho máu để gây phân tâm. Nếu vẫn còn căng thẳng, hãy thử nói chuyện với người bên cạnh để cảm thấy tốt hơn. Hát, đọc sách, nghe nhạc đều có thể giúp bạn bớt lo lắng.

Bài: Ngô Diệp

 Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua