Theo các nhà tâm lí học, đánh đòn con trẻ chưa bao giờ là cách nuôi dạy con tốt. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet (Mỹ) vào tháng 6/2021 cho thấy: Đánh đòn không cải thiện hành vi của người bị đánh. Thậm chí nó còn có tác động xấu, làm tăng sự hung hăng, hành vi gây rối và chống đối xã hội.
“Mỗi khi đánh đòn trẻ, bạn đã làm mất cơ hội chỉ cho chúng cách giải quyết vấn đề”. Joan Durrant – một trong những tiến sĩ tâm lí học lâm sàng tham gia vào quá trình nghiên cứu chia sẻ. Ngoài ra, đòn roi cũng đem đến cho trẻ cảm giác bất bình, sợ hãi và lo lắng.
Nếu cha mẹ cho rằng bạo lực là phương pháp kỉ luật tốt, thì có lẽ họ đã nhầm. Dưới đây là 6 bí kíp giúp các bậc phụ huynh dạy con mà không cần đến đòn roi.
Tìm hiểu nguyên nhân cho hành vi sai trái của con
Khi thấy con liên tục chạy nhảy trong nhà, thay vì trách mắng hay dùng đòn roi, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu lý do tại sao con lại hành động như vậy. Sau đó cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề. Nguyên nhân khiến trẻ nô đùa và chạy nhảy quá nhiều có thể là do chúng thừa năng lượng. Việc cha mẹ cần làm là giúp con giải phóng năng lượng đó.
Hãy đưa ra quy tắc “không chạy nhảy trong nhà”. Đồng thời giải thích lý do tại sao trẻ cần làm như vậy. Ví dụ như vì chạy trong nhà gây ồn ào và nguy hiểm. Sau đó đưa con ra công viên chơi để chúng giải tỏa năng lượng sau thời gian bị mắc kẹt trong nhà.
Những lời trách móc hay bạo lực chỉ khiến trẻ cảm thấy tồi tệ về bản thân. Nó cũng không dạy trẻ bất kỳ kỹ năng nào để giúp chúng trưởng thành hơn.
Khen ngợi khi con làm tốt
Thay vì đánh đòn khi trẻ làm sai, phụ huynh hãy khen ngợi thậm chí là dành phần thưởng cho con khi chúng ngoan ngoãn. Điều này khuyến khích trẻ nhỏ lặp lại hành vi tốt trong tương lai.
Nói “con hãy” nhiều hơn là “con đừng”
Vì sự cổ vũ tích cực có hiệu quả, các bậc cha mẹ nên dùng cách nói “con hãy” nhiều hơn là mệnh lệnh “con đừng”. Thay vì cấm đoán trẻ bằng cách nói “Đừng có chạy nhảy nữa”, tại sao bạn không động viên chúng “Hãy thi xem ai đi bộ được đoạn đường dài hơn nhé!”.
Xem thêm: Khen phạt công tâm, ấm lòng con trẻ
Thực hành quy tắc ABC
Ở nước ngoài, các chuyên gia tâm lí khuyên cha mẹ nên thực hành quy tắc ABC (Antecedents – Behavior – Consequences) trong khi dạy con không đòn roi. Hãy trả lời các câu hỏi: Điều gì sẽ xảy đến trong tình huống này? Điều gì thực sự xảy ra (theo cách cư xử của con) và hậu quả là gì?
Ví dụ, nếu bạn biết con mình thường khó chịu khi bạn bảo chúng phải tắt iPad. Hãy lên kế hoạch trước cho điều này. Nói với con về khoảng thời gian chúng được sử dụng iPad. Khi thời gian gần hết, hãy đưa ra cảnh báo cho trẻ. Sau đó thu hút sự tập trung của trẻ sang điều gì đó thú vị hơn.
Phớt lờ hành vi nhưng đừng phớt lờ cảm xúc của trẻ
Đôi lúc, bạn có thể bỏ qua những sai phạm nhỏ nhặt của con. Nếu trẻ nổi giận vì bạn đã cướp đi món đồ chơi yêu thích của chúng. Hãy thừa nhận cảm xúc ấy, đồng thời cho con khoảng thời gian để nguôi giận. Hầu hết trẻ nhỏ thường quên béng mọi chuyện sau năm phút. Đặc biệt khi bạn dỗ dành chúng bằng đồ ăn ngon hoặc một sự kiện thú vị nào đó.
Thừa nhận hành vi xấu của chính bạn
Các chuyên gia tâm lí cho biết phụ huynh thường nuôi dạy con cái theo hình mẫu mà họ muốn chúng trở thành. Vậy tại sao chính các bậc cha mẹ lại không trở thành hình mẫu đó trước tiên? Bắt đầu bằng việc thừa nhận bản thân cũng có những hành vi xấu. Và liệu hành vi đó có đáng bị đánh đòn? Khắt khe với chính bản thân mình là cách để bạn bớt khắt khe với những người xung quanh. Đặc biệt là với con cái.
Hy vọng với 6 bí kíp nho nhỏ này, các bậc phụ huynh thông thái trong phương pháp dạy con mà không cần đòn roi.
Tiếp Thị Gia Đình