THÓI QUEN 1: KÉN ĂN, KIÊNG ĂN
Không ít người, đặc biệt là phái đẹp, vì giữ dáng mà thực hiện chế độ kiêng ăn khắt khe, tất yếu dẫn đến cơ thể thiếu hụt nguyên tố vi lượng và vitamin. Ngoài ra, người có thói quen kén ăn cũng bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, khiến chức năng của các tế bào bị tổn thương, hệ miễn dịch phải vất vả để bảo vệ cơ thể.
Giải pháp: Ăn uống hợp lý
Cân bằng dinh dưỡng có tác dụng quan trọng tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Vì vậy, bạn cần ăn uống đủ chất, bao gồm chất đạm, vitamin E, C, B, carotene, kẽm, can-xi, ma-giê, sắt… để tăng số lượng tế bào miễn dịch. Trong đó, cần đảm bảo thực đơn đa dạng từ ngũ cốc, trái cây, rau xanh và cả các loại thịt đỏ.
THÓI QUEN 2: ÁP LỰC QUÁ LỚN
Gánh nặng cuộc sống khiến con người luôn ở trong trạng thái áp lực, nếu không biết cân bằng tâm trạng hợp lý, áp lực lâu ngày sẽ khiến mức kháng thể giảm xuống, khả năng đề kháng với khuẩn độc, bệnh tật yếu đi.
Giải pháp: Giải tỏa áp lực bằng vận động
Luyện tập cơ thể vừa sức không những có thể giảm bớt áp lực mà còn thúc đẩy nội tiết và tuần hoàn, nâng cao chức năng các cơ quan trong cơ thể, duy trì khả năng miễn dịch tối ưu. Các môn vận động đơn giản có thể thực hiện hằng ngày như khiêu vũ, yoga, Thái Cực quyền, khí công, chạy bộ, bơi lội… Tuy nhiên cần tập ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.
THÓI QUEN 3: ĐA SẦU ĐA CẢM
Có thể là tính cách bẩm sinh, cũng có thể là do tác động từ cuộc sống, nhiều người luôn sống một cách khá tiêu cực với tâm trạng đa sầu đa cảm. Đây là khắc tinh của hệ miễn dịch, bởi vì lo âu, căng thẳng và trầm cảm sẽ khiến hệ thần kinh bị ức chế, hoạt tính của tế bào miễn dịch giảm xuống.
Giải pháp: Điều chỉnh tâm trạng
Con người cần có các mối quan hệ và những thú vui tích cực. Khi tinh thần xuống dốc, bạn không nên đè nén và chịu đựng lâu ngày, tốt nhất là tìm người thân thiết và tin cậy để chia sẻ, thậm chí là “trút giận”. Ngoài ra, vài sở thích riêng như nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh, sáng tác… cũng giúp làm dịu tâm trạng hữu hiệu.
THÓI QUEN 4: NGỦ KHÔNG ĐỦ GIẤC
Đây cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến hệ miễn dịch bị tổn thương trầm trọng. Ngủ chính là thời điểm vàng giúp hệ miễn dịch tăng mạnh và cơ thể tự hồi phục. Nếu ngủ không đủ giấc, chất lượng giấc ngủ kém sẽ khiến khả năng đề kháng mất cân bằng và suy yếu.
Giải pháp: Tăng cường biện pháp hỗ trợ giấc ngủ
Duy trì ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, thêm 30 phút đến 1 tiếng cho giấc ngủ trưa là tốt nhất. Nếu khó ngủ, bạn có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ như ngâm chân, thiền, uống trà sen, dùng gối thảo dược…
THÓI QUEN 5: “Ô NHIỄM” TRONG CƠ THỂ
Những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu sẽ khiến hàm lượng vitamin C trong máu bị giảm thấp, các cơ quan bên trong bị “ô nhiễm” nặng nề, hệ miễn dịch kém đi và dễ sinh bệnh.
Giải pháp: Bổ sung vitamin C
Ngoài việc cai rượu bia, thuốc lá thì việc bổ sung vitamin C là cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch. Bạn có thể tăng cường rau củ quả trong khẩu phần ăn như cam quýt, táo, chuối, đu đủ, xoài, cà chua, khổ qua…
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình