Bao giờ TP. HCM mới hết ngập lụt?
Cơn mưa tối 15–9 đã làm ngập lụt các tuyến đường quận Bình Thạnh, quận 6, quận 2… là trận mưa lớn nhất từ trước đến nay mà Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM đo đạc được. Đặc biệt khúc đường Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương ngập lụt sâu đến yên xe làm cả ô-tô, xe máy không thể di chuyển, gây tắc đường nghiêm trọng. Nhiều người dân đến tối mịt mới về được nhà do… mưa lũ. Đến sáng nay (16–9), nhiều nơi nước vẫn chưa kịp rút hết.
Nói về nguyên nhân cơn ngập lụt dữ dội này, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, cho hay lượng nước mưa đo được vào ngày 15–9 tăng gấp đôi so với bình thường. Ở những trạm Nhà Bè, An Lạc, lượng nước lên đến 142mm. Trong khi đó, hệ thống thoát nước cống cấp 1 chỉ chịu được lượng mưa cao nhất là 85,36mm, cống nhỏ chịu được 75,88mm.
Cùng với cơn mưa kéo dài nhiều tiếng đồng hồ còn đúng lúc thủy triều lên. Đặc biệt ở các quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Bình Tân và Nhà Bè, địa hình thấp vô cùng bất lợi cho hệ thống thoát nước. Trong trung tâm thành phố, tình hình vẫn còn trong tầm kiểm soát nhưng ở các quận ngoại thành, tình trạng ngập lụt còn do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hạ tầng cơ sở không phát triển theo kịp.
Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước và ùn tắc giao thông giai đoạn 2011–2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, tầm nhìn đến năm 2020. Qua đó, mục tiêu chính là giải quyết cơ bản tình trạng ngập lụt do mưa lũ và triều cường tại trung tâm TP. HCM, tiếp theo giảm tình trạng ngập lụt tại các quận 6, 11, 8, Bình Thạnh, Tân Phú và Bình Tân.
Những giải pháp được đề ra bao gồm: vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cải thiện môi trường lưu vực Bến Nghé – Tàu Hũ – kênh Đôi – kênh Tẻ, nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, cải tạo kênh Ba Bò, xây dựng đê bao bọc 2 bờ sông Sài Gòn.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung đẩy mạnh các dự án thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng Bắc, Tây, Đông Nam và Đông Bắc Sài Gòn. Ông Long còn cho biết thêm: “Chúng ta sẽ xây thêm 103 hồ điều tiết khắp thành phố, thí điểm 3 hồ Bàu Cát, Gò Dưa và Khánh Hội để chống ngập lụt. Giai đoạn 2011–2015, thành phố tập trung giải quyết tình trạng ngập lụt cho trung tâm thành phố, từ 2016–2020 sẽ giải quyết tiếp cho khu vực lân cận”.
Tiếp Thị Gia Đình