Để giảm đau bụng kinh hoặc các chứng như đang cho con bú mà ít sữa, sót nhau, ngực bị sưng, bạn có thể sử dụng các vị thuốc sau để chữa trị. Chúng dễ tìm và chế biến, lại không gây hại cho sức khỏe nên bạn lại hoàn toàn có thể yên tâm.
Cỏ gấu (hương phụ, cyperus rotundus)
Bạn đào cả cây, phơi khô rồi vun thành đống đốt cho sạch lá và rễ nhỏ, riêng củ rửa sạch, phơi khô để sử dụng. Liều dùng từ 6–12g/ngày dưới dạng thuốc sắc.
Cỏ gấu có tác dụng tốt đối với tình trạng kinh nguyệt không đều, giảm đau bụng kinh, vô sinh, thậm chí là ung thư cổ tử cung.
Phụ nữ sau khi sinh cũng dùng cỏ này để kích thích sữa cho con bú.
Rau mồng tơi (Basella Rubra L.)
Đây là một trong các loại rau quen thuộc dùng để chữa nhiều bệnh mà dân gian vẫn thường sử dụng. Theo y học cổ truyền của Ấn Độ, rau mồng tơi được sử dụng chữa bệnh suy nhược tình dục, viêm loét, làm thuốc nhuận tràng cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Tại Nigeria, mồng tơi là vị thuốc giúp tăng cường khả năng sinh sản cho phụ nữ. Người dân Indonesia lấy rau mồng tơi làm thuốc chữa táo bón ở trẻ em, phụ nữ mang thai. Còn tại Trung Quốc, để chữa ngực bị sưng nứt, người ta dùng rau mồng tơi giã nát, đắp lên.
Rau mồng tơi còn cung cấp nhiều can-xi, sắt, các vitamin A, B và C, chất xơ vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
Ích mẫu (leonurus heterophyllus)
Theo sách cổ, ích mẫu có vị cay, đắng, tính hơi hàn, giúp trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết điều kinh. Như ý nghĩa tên gọi, loại cây này đem lại lợi ích cho người mẹ khi sử dụng (ích nghĩa là có ích, mẫu là mẹ).
Với tác dụng chống co thắt, ích mẫu giúp phục hồi cơ tử cung sau khi sinh. Nó cũng có thể giúp hệ thống thần kinh thư giãn, làm giảm các triệu chứng cảm xúc khó chịu trong hội chứng tiền kinh nguyệt và mãn kinh. Liều dùng từ 6–12g trong một ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai không sử dụng ích mẫu. Bạn tìm mua ích mẫu tại các nhà thuốc Đông y trên toàn quốc.
Lá rau ngót (Sauropus androgynus)
Ngoài việc giảm đau bụng kinh, lá rau ngót còn dùng để chữa sót nhau sau khi sinh. Bạn hái khoảng 40g lá rau ngót, rửa sạch, giã nát, cho thêm một ít nước vào đun sôi và để nguội. Tiếp theo, bạn vắt lấy khoảng 100ml nước, chia làm hai lần, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút. Thông thường, sau khoảng 15–20 phút nhau sẽ ra.
Theo kinh nghiệm của người Indonesia, ăn canh rau ngót giúp kích thích việc tiết sữa ở các phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ và phòng bệnh thiếu máu.
Rễ ngưu tất (Ox Knee)
Vị thuốc điều trị một số vấn đề của kinh nguyệt như vô kinh, chu kỳ kinh không đều và đau bụng sau khi sinh. Bản chất của các vấn đề này thường do máu bị tắc nghẽn. Ngưu tất có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn.
Cách dùng: Bạn lấy khoảng 6–15g rễ ngưu tất, rửa sạch, sắc nước để uống trong ngày.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy ngưu tất có thể gây ra sự giãn nở của cổ tử cung nên phụ nữ mang thai hoặc người bị rong kinh không nên sử dụng.
Bạn có thể tìm mua giống ngưu tất tại Viện Dược liệu: 3B Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại (04) 3825 2644.
Tiếp Thị Gia Đình