Dù bạn đã tốn khá nhiều thời gian để cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo nhưng cuối cùng bạn vẫn không thể đưa ra một quyết định dứt khoát cho vấn đề trước mắt. Bất cứ ai cũng từng trải qua những giây phút chần chừ khi đối diện với các vấn đề khó khăn. Sydney Finkelstein, tác giả cuốn Superbosses, cho rằng việc liên tục nghi vấn về những chọn lựa của mình sẽ ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo cũng như giải quyết vấn đề của nhân viên.
Nếu là người quản lý, những băn khoăn về tuyển dụng, sa thải, ký hợp đồng… sẽ làm giảm cơ hội thành công và năng suất của doanh nghiệp. Nếu là nhân viên, sự chần chừ sẽ khiến bạn mất tập trung và không thể làm việc một cách hiệu quả như mong đợi của cấp trên. Vậy làm sao để bạn có thể quyết đoán hơn mỗi khi ra quyết định? Hãy thử áp dụng 5 gợi ý sau đây nhé:
1. ĐẶT CÂU HỎI
Quyết định này quan trọng như thế nào? Nó có bị chi phối gì không? Bạn hãy tập trung vào những quyết định quan trọng nhất. Hãy luôn nhớ rằng sự băn khoăn, lo lắng chỉ làm tiêu tốn thời gian của bạn và làm giảm thời gian giải quyết những vấn đề thật sự cấp thiết và có ý nghĩa.
2. LẮNG NGHE TRỰC GIÁC
Việc tin tưởng vào trực giác của bản thân thực sự giúp bạn có quyết định dứt khoát hơn. Nó có thể giúp bạn cắt giảm nhiều thời gian lãng phí cho những suy tư, lo nghĩ. Lắng nghe trực giác còn giúp bạn tìm được hướng đi đúng đắn cho những quyết định khó khăn. Thậm chí, nếu quyết định ấy là sai lầm, bạn cũng sẽ nhanh chóng có hướng giải quyết và khắc phục. Xem xét quyết định theo cách này sẽ giúp bạn trở nên tự tin và giảm nguy cơ căng thẳng tinh thần.
3. KHẢO SÁT THỰC TẾ
Nếu sau khi lắng nghe trực giác mà vẫn không quyết định dứt khoát được, bạn hãy đi khảo sát thực tế. Bạn có thể hỏi ý kiến một vài người xung quanh để cân nhắc suy nghĩ của số đông. Hoặc bạn nên tìm một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để nhờ tư vấn.
4. THAY ĐỔI
Sẽ có những lúc bạn cần thay đổi suy nghĩ của mình. Không phải ai ra quyết định dứt khoát nào cũng đúng. Nếu bạn cứ đóng khung với suy nghĩ rằng đây là quyết định cuối cùng, thì bạn đã tự gây áp lực cho chính mình. Hãy cho bản thân được quyền sai lầm để có cơ hội sửa chữa và thay đổi theo hướng tốt hơn. Sự linh động này rất cần thiết, giúp bạn bớt căng thẳng trước những quyết định quan trọng và rút ra nhiều kinh nghiệm hữu ích về sau.
5. THEO DÕI VÀ KIỂM TRA
Một cách hiệu quả để ra quyết định dứt khoát là lên kế hoạch theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Bạn có thể đặt những ghi chú nhắc nhở trong cuốn lịch của mình. Sự chuẩn bị và thời gian sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự việc, làm giảm nguy cơ gặp sai lầm. Bạn nên nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh, phương diện và học cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để sẵn sàng đối mặt với các bất lợi.
NGUYÊN TẮC RA QUYẾT ĐỊNH
NÊN
• Tin vào trực giác
• Tìm kiếm sự tư vấn từ nhiều người
• Cho thời gian để suy nghĩ và quyết định
KHÔNG NÊN
• Xem thường những chi tiết nhỏ
• Giả định đây là quyết định cuối cùng
• Suy nghĩ những điều khiến bạn cảm thấy thêm lo lắng, mệt mỏi.
Bài: BẢO UYÊN
Mục Công sở / Tiếp Thị Gia Đình