5 triệu chứng báo hiệu bạn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng

Có những dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng mà bạn không nên chủ quan để tránh những điều đáng tiếc. Hãy tìm hiểu để biết chúng và có biện pháp xử lý kịp thời

Chị Thanh Nguyệt, Q. 5, TP. HCM, kể dì của chị đang ngồi thì đột nhiên tê liệt cánh tay, nói lắp bắp, rồi ngã từ ghế xuống. Gia đình vội đưa dì đến bệnh viện cấp cứu. Bác sỹ cho biết dì vừa trải qua một cơn đột quỵ, rất may là gia đình đã đưa đi cấp cứu kịp thời. Để không xảy ra điều đáng tiếc, bạn nên nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng sau đây.

TÊ LIỆT MỘT PHẦN CƠ THỂ

Triệu chứng: Cánh tay hoặc chân tê liệt, bị lú lẫn, chóng mặt, nhìn một thành hai, nói lắp, khó khăn khi nói, yếu mệt. Đây là dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng do động mạch cung cấp ô-xy đến não bị tắc hay vỡ. Khi có triệu chứng này, bạn phải nhờ người thân đưa đến bệnh viện gấp. Bác sỹ có thể điều trị cục máu đông, khai thông mạch máu. Cần thực hiện việc này trong ba giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên để ngăn chặn mô não bị chết và chấn thương vĩnh viễn.

ĐAU BẮP CHÂN DƯỚI, HO RA MÁU

Triệu chứng: Cảm thấy mềm và đau ở bắp chân dưới, đau ngực, thở hổn hển hay ho ra máu. Đây có thể là triệu chứng của bệnh tắc tĩnh mạch chi dưới, đặc biệt khi bạn ngồi hay nằm một thời gian dài. Nếu có cục máu đông ở chân, bắp chân có thể sưng phồng, đau và mềm khi sờ vào. Nếu còn cảm thấy đau đột ngột ở ngực, hơi thở ngắn, có thể cục máu đông đã bong ra khỏi thành mạch và chạy ngược lại theo máu đến phổi. Lúc này, mạng sống của bạn đã bị đe dọa, bạn cần vào phòng cấp cứu ngay lập tức.

HEN SUYỄN TRỞ NẶNG 

Triệu chứng: Thở khò khè hay khó thở. Khi cơn suyễn bị nặng, bạn cần điều trị khẩn cấp. Nếu không, bạn không thể thở được và gặp phải tình huống như chết đuối trên cạn do cơ khí phế quản co thắt quá mức. Lúc này, bạn có triệu chứng khó thở đến mức phải ngồi dậy để thở, ôm cổ hay ghế mà thở. Từng đợt một, cổ bạn phát ra những tiếng rít lên, bọt mép và nước miếng sùi ra hai bên. Do đó, bạn cần khẩn trương dùng thuốc cắt cơn khó thở ở nhà (nếu có), rồi đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu ngay.

TIỂU RA MÁU, KHÔNG ĐAU 

Triệu chứng: Tiểu ra máu, kể cả khi không đau. Sỏi thận hay viêm nhiễm bàng quang là nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu. Song chúng thường gây đau đớn, khó chịu. Còn khi thấy máu trong nước tiểu, nhưng không đau, đó có thể là ung thư thận, đường tiểu, bàng quang. Vì thế, đừng chủ quan với dấu hiệu này mà hãy đến bác sỹ khám càng sớm càng tốt.

ĐAU NGỰC, KHÓ THỞ 

dau hieu nguy hiem tinh mang hinh anh 2

Triệu chứng: Đau hay khó chịu ở ngực trái, đau lan xuyên ra sau lưng, lan ra vai, lan xuống cánh tay, cảm giác muốn xỉu hay rất khó thở. Đây là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trên đây, cần gọi ngay cấp cứu. Điều nguy hiểm là nhiều người lên cơn đau tim mà không cảm thấy đau ở tim hay phần ngực, đặc biệt là phụ nữ, người già và bệnh nhân tiểu đường. Đây là dạng thiếu máu cơ tim thể thầm lặng và thể không ổn định, kém đáp ứng với điều trị.

Khi đột ngột thấy người bệnh có một trong 5 dấu hiệu sau: Đau thắt vùng ngực, khó thở nhiều, đau đầu nhiều, yếu liệt chân – tay, nói khó, co giật, mê man cần gọi ngay cấp cứu 115.

KHI CẦN CẤP CỨU, GỌI AI?

Khi thân nhân có các dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng, bạn hãy gọi 115 từ điện thoại cố định. Nếu gọi từ điện thoại di động, bạn bấm số mã vùng tỉnh + 115 thì mới thực hiện được cuộc gọi.

Ví dụ: Bạn ở TP. HCM, cần bấm số 08 115, trong đó 08 là mã vùng của TP. HCM. Khi gọi, bạn cần cung cấp đầy đủ những thông tin sau:
• Địa chỉ chính xác của nơi có người cần cấp cứu.
• Số điện thoại của bạn.
• Vấn đề là gì? Cho biết chính xác những gì đã xảy ra?
• Bệnh nhân bao nhiêu tuổi?
• Bệnh nhân mê hay tỉnh?
• Bệnh nhân còn thở không?

Sau đó, trung tâm cấp cứu sẽ hướng dẫn cụ thể bạn cần làm gì khi xe cấp cứu đến. Ngoài ra, bạn cần trả lời những câu hỏi bổ sung tùy theo tình trạng bệnh nhân. Nếu bạn ở xa hay những nơi khó tìm như không có số nhà, số nhà vừa đổi mới, số nhà không theo thứ tự thì nên gợi ý các điểm mốc gần nhất để xe cấp cứu dễ tìm đến chỗ của bạn.

Mặt khác, nhờ người thân đợi ở đầu hẻm hay đầu đường để hướng dẫn xe cấp cứu tìm đến chỗ bạn nhanh nhất. Ngoài việc cho người đón xe cấp cứu, những người khác (nếu có) nên dọn đường để có lối đi đủ rộng cho xe cấp cứu và nhân viên cấp cứu tiếp cận bệnh nhân dễ dàng. Bạn cần thu thập lại toa thuốc hay thuốc (nếu có) mà bệnh nhân đã dùng, đang dùng hay vừa mới dùng để đưa cho nhân viên cấp cứu xem. Đồng thời đừng quên báo cho nhân viên cấp cứu về tình trạng dị ứng thuốc (nếu có) của bệnh nhân.

BÀI: L.B.C

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua