5 cách phòng chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ hiệu quả

Dịch cúm ở trẻ nhỏ đang bùng phát vào những ngày cuối năm. Để ngăn chặn và bảo vệ con em trước nguy cơ dịch bênh, bạn nên có cách để phòng chống các loại dịch bệnh

1. Tiêm vắc xin

Đây là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ em lẫn người lớn khỏi các loại dịch bệnh. Tiêm ngừa các loại vắc xin trước khi dịch bệnh xảy ra được chứng minh là có thể giảm thiểu 90-95% nguy cơ gặp phải dịch bệnh.

♦ Đối với dịch cúm A, trẻ 6 tháng – <9 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng (đối với trẻ chưa tiêm cúm lần nào). Sau đó 1 mũi mỗi năm. Từ 9 tuổi trở lên: Tiêm 1 mũi mỗi năm.

♦ Đối với dịch sởi, tiêm vắc-xin phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi.

♦ Đối với dịch thủy đậu, nên tiêm ngừa cho trẻ khi trẻ được 12 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ được 4 – 6 tuổi.

Sau khi tiếp xúc với người bị bệnh hoặc đến các ổ dịch bệnh nên tiêm vắc-xin phòng ngừa trong vòng 72h đồng hồ kể từ khi tiếp xúc để chống lại sự tấn công của dịch bệnh. Tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.

Lưu ý khi đi tiêm vắc xin phòng bệnh trong mùa đang có dịch không đến những bệnh viện đang quá tải vì dịch bệnh. Tránh những nơi tập trung đông người. Nên tản đến những trung tâm y tế dự phòng hoặc những điểm tiêm phòng vắc xin có ít khu dân cư để bảo vệ trẻ.

2. Cách ly với môi trường có dịch bệnh

Các loại dịch bệnh đang phát triển hiện nay ở Việt Nam như: sởi, thủy đậu, tay chân miệng, cúm… đều lây qua đường hô hấp do ho; hắt hơi; tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hoặc dịch tiết mũi họng.

Trên thực tế 1 người bị mắc phải dịch bệnh có thể lây nhiễm nguồn bệnh đó cho 20 người xung quanh. Khi bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh, nên mang khẩu trang y tế, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Tránh chạm vào các vật dụng công cộng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn ghế…

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh không nên di chuyển đến nhiều nơi, với những người đang chăm sóc em bé, mỗi khi đi ra ngoài về cần thay áo quần, vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ.

3. Vệ sinh cá nhân thường xuyên

Vệ sinh cá nhân hàng ngày cũng là một trong những cách giúp loại bỏ các loại virus, vi khuẩn bám trên cơ thể và đợi thời cơ để xâm nhập. Ngoài việc rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn thường xuyên, cần thực hiện rửa mắt và mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Có thể mua 2 loại nước rửa mũi là dung dịch NaCl 0,9% và nước biển tự nhiên đã khử bớt NaCl để đạt tiêu chuẩn 0,9% để sử dụng. Các loại này được chứa trong bình xịt có đầu phun tia nhỏ hoặc phun sương để tạo hạt nhỏ đi sâu vào hốc mũi.
Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh phòng ốc khô thoáng sạch sẽ, tiến hành khử khuẩn không khí bằng máy Ozon và khử khuẩn bề mặt bằng Cloramine B tại khu vực đã có người bệnh lưu trú trước đó.

4. Có một giấc ngủ sâu

Giấc ngủ ngon giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại những tác động xấu từ môi trường. Trong khi ngủ, hầu hết các cơ quan đều sẽ giảm cường độ hoạt động. Tuy nhiên lượng bạch cầu và kháng thể lại được sản xuất nhiều hơn. Khi cơ thể chìm trong giấc ngủ sâu, các loại bạch cầu và thực bào bắt đầu tìm kiếm và tiêu diệt các loại độc tố; các vi trùng; siêu vi trùng; vi khuẩn và tế bào ung thư… Vì vậy mà sau giấc ngủ cơ thể như được phục hồi. Năng lượng sẽ được tích lũy và hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn.

Các chuyên gia sức khỏe cho rằng ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm mới giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Cụ thể thời lượng giấc ngủ mỗi ngày như sau:

Trẻ sơ sinh: 10,5-18 tiếng
Trẻ 3-11 tháng: 9-12 tiếng mỗi đêm, thêm 2-4 tiếng cho các giấc ngủ ngày
Trẻ 1-3 tuổi: 12-14 tiếng
Trẻ 3-5 tuổi: 11-13 tiếng
Trẻ 5-12 tuổi: 10-11 tiếng
Trẻ 12-20 tuổi: 8-9 tiếng

5. Bổ sung vitamin A

Vitamin A là một trong những loại vitamin quan trọng giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus như sởi, thủy đậu, rubella…

Có thể bổ sung nguồn vitamin A từ các loại thực phẩm như rau củ quả có màu vàng hoặc đỏ; các loại rau màu xanh sẫm; dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Hoặc có thể bổ sung nguồn thực phẩm có chứa tiền vitamin A như trứng, sữa, kem, bơ…

Ngoài cung cấp đủ lượng vitamin A hàng ngày, cũng nên bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết khác như vitamin C, vitamin D, selen, kẽm… để giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua