Tiếng nhạc dịu êm, không gian huyền ảo với hoa và ánh sáng; nụ cười hạnh phúc nở trên môi cô dâu chú rể… dường như đó là khởi đầu hoàn hảo cho cuộc sống chung lý tưởng sau kết hôn. Thế nhưng, chặng đường hôn nhân chẳng phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Và không phải cặp vợ chồng nào cũng song hành cùng nhau đi hết chặng đường ấy.
Theo tiến sĩ tâm lý Howard Markham, một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần có sự giáo dục. Mỗi người phải học cách từ bỏ một số thói quen xấu và hình thành những thói quen tốt. Và đây là 5 bài học hôn nhân mà ông cho rằng cặp vợ chồng mới cưới nào cũng nên thuộc nằm lòng:
Học cách lắng nghe
Ngay cả những cặp đôi được cho là “hiểu nhau đến từng milimét” cũng có lúc xảy ra va chạm. Nhưng trong lúc tranh cãi, họ biết kiềm chế cơn nóng giận để lắng nghe quan điểm của nhau, phân tích xem ai sai, ai đúng để kịp thời sửa chữa sai lầm.
Nghe nhiều hơn nói, đó là bí quyết vượt qua giai đoạn “cơm không lành, canh không ngọt” của những đôi vợ chồng hạnh phúc.
Học cách “giữ lửa” hôn nhân
Giai đoạn mới cưới mặn nồng bao nhiêu thì sau này; những mối lo xung quanh công việc, con cái, tài chính… khiến vợ chồng bạn không còn nhiều thời gian cho nhau nữa.
Vì thế, dù bận rộn đến đâu; hai bạn cũng đừng quên dành ra vài phút hỏi han nhau mỗi ngày. Hãy cùng nhau chia sẻ những khó khăn công việc mà mình đang gặp phải; hay nghe kể về buổi họp lớp thú vị mà anh/cô ấy vừa trải qua. Đó chính là cách đơn giản nhất để thể hiện sự quan tâm, tôn trọng đến người bạn đời.
Học cách tin tưởng
Có bốn cột trụ để tạo nên một gia đình hạnh phúc: tình yêu, niềm tin, sự tôn trọng và đồng cảm. Trong đó, niềm tin là chiếc cột khó trụ vững nhất. Đôi lúc chỉ một chi tiết, một lời nói “đáng ngờ”, người ta lập tức nghi ngờ vợ/chồng mình không chung thủy. Hoặc, thấy ngân sách hao hụt đôi chút là nghĩ ngay đến việc bạn đời có “quỹ đen”.
Yêu thì phải tin, mà tin thì không nghi ngờ! Nếu nghi ngờ thì hãy hóa giải ngay bằng một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Đừng tích tụ trong lòng kẻo mối nghi này dần giết chết tình yêu.
Học cách chấp nhận
Bước vào cuộc sống chung đồng nghĩa với những thói quen, tính cách, thậm chí cả tật xấu của hai bạn dần bộc lộ. Sẽ có lúc bạn khó chịu khi thấy anh/cô ấy vứt quần áo mỗi nơi một chiếc, hay mải mê làm việc đến quên hết mọi thứ xung quanh.
Nếu thói quen nào không quá đáng và “không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, bạn hãy học cách chấp nhận và thích nghi.
Học cách “đòi hỏi”
Muốn hòa hợp thì mỗi người phải giảm bớt cái tôi, đó là chân lý. Nhưng không vì thế mà chỉ một mình bạn hy sinh. Phải biết cách đòi hỏi bạn đời. Chẳng hạn, thỉnh thoảng đề nghị anh ấy nấu cho mình bữa tối; tạo điều kiện cho anh cùng làm việc nhà với bạn…
Hôn nhân chỉ bền vững khi người trong cuộc “đồng cam cộng khổ”; nhường nhịn nhau để hướng đến cuộc sống chung hạnh phúc, Tiến sĩ Howard Markham kết luận.
Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình