Cậu con trai tồ tệch hay cô con gái bé bỏng của bạn bỗng kể nhiều về bạn khác giới, quan tâm đến bạn đó nhiều hơn, thường gọi điện thoại, nhắn tin và còn rủ bạn đó về nhà chơi. Bạn biết con có bạn khác giới và chúng đang thân thiết hơn mức tình bạn nên lo lắng vì con còn bé lắm, mới có hơn mười tuổi thôi mà. Bạn dò hỏi con để “moi” thông tin, đọc trộm tin nhắn của con, mắng con vì không lo tập trung vào học tập… Đó là phản ứng chung của nhiều bà mẹ khi thấy con thân thiết với bạn khác giới. Song điều đó có đúng và giúp ích cho con không? Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giảng viên tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội, tư vấn lúc này bạn nên thực hiện các bước sau đây:
1. HỌC CÁCH PHỚT LỜ
Khi con có bạn khác giới, bạn hãy vờ như không quá để ý đến mối quan hệ này. Bạn đừng trầm trọng hóa vấn đề mà hãy cho con thấy đây là một việc hoàn toàn bình thường. Nếu lúc này bạn mắng mỏ hay trêu chọc con, bé sẽ cảm thấy xấu hổ, thu mình lại và không tin tưởng vào ba mẹ nữa. Từ đó, bé sẽ nảy sinh tâm lý đối phó, giấu diếm mọi chuyện với bố mẹ. Bạn có thể làm mất một tình bạn đẹp của con và mất cả lòng tin của con với mình. Hãy cố phớt lờ để thực hiện các bước tiếp theo sau đây.
2. LẶNG IM QUAN SÁT
Trẻ con thường không biết che giấu cảm xúc thật. Quan sát thái độ, lời nói, cử chỉ của bé với cô bạn hay cậu bạn kia, bạn có thể nhận thấy đó là tình bạn thân thiết bình thường hay là những rung động đầu đời thật sự của bé. Nếu là bạn bình thường, các bé sẽ chơi với nhau thoải mái, vui vẻ, giúp đỡ nhau chân thành, đôi khi còn cư xử bỗ bã. Khi con luôn nhắc đến bạn, quan tâm đến sở thích của bạn, buồn – vui thất thường, ăn mặc trau chuốt hơn, có thể cho thấy bé đang đi quá giới hạn bạn bè bình thường.
3. LÀM ĐỒNG MINH CỦA CON
Dù rất lo lắng, nhưng đừng để con cảm nhận được cảm xúc của bạn. Bạn để con thấy bạn tin ở con như: “Mẹ thấy chuyện này là bình thường. Ai cũng có những người bạn như thế mà”. Bạn có thể kéo con về phía mình, bằng các câu chuyện có thật: “Hồi xưa, mẹ chơi thân với chú Sơn từ lớp bốn. Giờ mẹ và chú ấy vẫn rất thân nhau”. Hay dự tính tình huống xấu: “Con biết cô Vân gần nhà cũ của mình không? Cô ấy có bạn trai từ lớp 6, không chăm lo học tập nên cô không qua ngưỡng cấp hai. Giờ cô ấy đang hối hận vì mải chơi đấy!”. Bạn nên nêu ra các ví dụ cụ thể để thuyết phục, hướng con đến những tình bạn trong sáng. Khi con đã tin tưởng, bạn có thể gợi mở để con tâm sự thêm về bạn. Đây chính là lúc nhắc nhở con việc gì là quan trọng nhất, nên dành thời gian cho học tập, gia đình.
4. NHÌN VÀO MẶT TÍCH CỰC
Tình bạn khác giới cũng sẽ giúp con phát triển tính cách riêng, học được cách giao tiếp, ứng xử với bạn khác giới. Ở tuổi này, con có bạn khác giới đôi khi vì những lý do đơn giản như cùng sở thích để hỏi bài tập. Do đó, bạn hãy để bé tự xây đắp tình bạn đẹp.
Bạn chỉ nên can thiệp khi con:
• Quan tâm quá mức về giới tính.
• Người bạn đó rủ con trốn học, tụ tập bè nhóm.
• Nói dối để đi chơi riêng với bạn ấy.
• Trang điểm, ăn diện vì bạn ấy.
Bài: Ngọc Vân
Mục Mẹ và con / Tiếp Thị Gia Đình