Trò chuyện với con – dù đó chỉ là một cuộc trò chuyện giản đơn, không đầu không cuối – là cách đơn giản để thắt chặt tình cảm và giúp con học tập, phát triển. Nhưng có những điều bạn không nên nói với con trong các cuộc trò chuyện. Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những gì bé nghe trong một vài năm đầu đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ngôn ngữ và IQ khi trưởng thành. Nhưng ngay cả khi bạn luôn cố gắng nói những điều tốt đẹp với con thì khi càng lớn, những đứa trẻ sẽ ngày càng cứng đầu và có xu hướng phản ứng lại lời bố mẹ. Nhưng lúc như thế, bạn sẽ cảm thấy mình nói quá nhiều, tựa như một bà mẹ lẩm cẩm khi luôn khuyên bảo, động viên, hướng dẫn và thậm chí là phàn nàn về con.
Đôi khi, ít đi một vài lời nói lại mang đến cho bạn hiệu quả bất ngờ trong việc nuôi dạy con. Dưới đây là 4 điều bạn không nên nói với con, bất kể chúng ở độ tuổi nào. Lý do vì sao thì chúng tôi sẽ giải thích ngay sau đây:
1. “CON PHẢI XIN LỖI NGAY”
Ép buộc trẻ xin lỗi chưa bao giờ là một cách hay. Thay vào đó, bạn có thể chỉ dạy cho trẻ cách xin lỗi một cách tự nguyện bằng việc phân tích việc làm của con là không đúng đắn. Bạn có thể ngồi xuống trò chuyện, hỏi xem còn đã làm gì. Hãy giúp con đặt mình vào tình huống để hiểu rõ cảm xúc và từ đó tìm hướng giải quyết vấn đề bằng một lời xin lỗi. Hãy hướng dẫn, để trẻ nhận ra chính mình đã gây rối và mong muốn sửa chữa lỗi lầm thay vì phải xin lỗi theo chỉ thị, thậm chí là lời dọa nạt của mẹ.
2. “CON GÁI NGỌT NGÀO CỦA MẸ” HAY “CON TRAI TINH NGHỊCH CỦA MẸ”
Đây cũng là một trong những điều bạn không nên nói với con: chỉ định tính cách cho con mình trong bất kỳ tình huống nào. Việc “đóng khung” cá tính con trong những lời khen như thế dễ khiến trẻ không thoát khỏi cái bóng của những lời khen và hạn chế tính sáng tạo. Một nghiên cứu tại một trường đại học cho thấy, những sinh viên nữ đã chọn vào mục Giới tính trong giấy kiểm tra luôn có xu hướng thấp điểm hơn những sinh viên nữ bỏ trống mục giới tính. Phép tính đơn giản này phần nào cho chúng ta thấy định kiến đã kìm hãm sức sáng tạo như thế nào.
3. NÓI DỐI
Bất kỳ lời nói dối (dù chúng vô hại) cũng là điều bạn không nên nói với con. Là phụ huynh, bạn đôi khi sẽ nói dối con nhiều. Đơn cử như việc dọa bỏ trẻ lại một trung tâm thương mại hoặc không mua đồ chơi cho con, chỉ vì con quá hiếu động. Nhưng thực tế không ai làm vậy cả! Tình huống này cũng được xem là một lời nói dối công khai trước mặt trẻ. Khi bạn nói một điều gì đó mà không thực hiện, con sẽ có khuynh hướng mất niềm tin vào nhiều thứ. Ngày qua ngày, ý nghĩ mất niềm tin, không tin tưởng vào lời nói của cha mẹ sẽ ngày càng gia tăng mà ngay cả bạn và trẻ cũng không nhận ra.
4. “CON GIỎI NHẤT”
Đừng bao giờ sử dụng so sánh nhất khi khen ngợi trẻ. Tất nhiên, trong mắt các ông bố bà mẹ, con mình luôn tuyệt nhất. Nhưng việc sử dụng những từ so sánh mạnh sẽ khiến trẻ tự mãn và khó vượt qua khủng hoảng khi gặp khó khăn. Thay vì khen ngợi, bạn có thể truyền cảm hứng cho trẻ, hướng dẫn con tìm kiếm sở thích và những điều làm trẻ hạnh phúc. Hãy giúp trẻ tìm kiếm những điều con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất thay vì mải mê chạy theo thành tích hay sống vì cảm xúc của người khác. Điều đó có ý nghĩa hơn việc trở thành người giỏi nhất hay đứng đầu trong bất kỳ cuộc thi nào.
Theo MBG
Tiếp Thị Gia Đình