Một bác sỹ tâm lý đưa ra cách giúp trẻ hết biếng ăn bằng cách cho bé nhịn đói cả ngày rồi hỏi cậu muốn ăn gì. – “Cháu muốn ăn giun đất luộc!”. Mừng quýnh, bác sỹ đưa giun đất đến. Bệnh nhân nhí lại làm nũng: – “Bác ăn nửa con, cháu mới ăn”. Bác sỹ nhắm mắt nuốt nửa con giun nhưng bé chợt khóc thét lên: – “Bác ăn nửa đuôi cơ! Bác ăn nửa kia mất rồi. Hu hu”. Đây chỉ là truyện cười nhưng có thể thấy mẹ và cả bác sỹ tâm lý khốn khổ như thế nào khi bé kén ăn. Do vậy, chúng ta hãy tìm hiểu và giúp bé vượt qua tình trạng này. Nếu biếng ăn, trẻ sẽ ra sao?
1. GẶP VẤN ĐỀ VỀ SỨC KHỎE

Vấn đề này không mấy phổ biến nhưng một số trẻ kén ăn là do tình trạng sức khỏe. Nếu con thường tỏ ra lo lắng và căng thẳng khi đến bàn ăn, có thể bé bị dị ứng thực phẩm hoặc do não của trẻ không xử lý kịp các thông tin về cảm giác như cảm giác đói, cảm giác no nên gây rối loạn.
♦ Bạn phải làm sao? Trong trường hợp này, bạn nên đưa con đến bệnh viện để được khám và tư vấn.
2. TRẺ MUỐN ĐỘC LẬP

Theo các nhà khoa học, đối với trẻ, từ chối món ăn mẹ đưa tới cũng là một cách để chúng cảm thấy mình độc lập và có tiếng nói. Đây là sự phát triển vô cùng tự nhiên.
♦ Bạn phải làm sao? Bạn đừng căng thẳng hay nạt nộ để ép trẻ ăn. Việc ép bé ăn một món nào đó có thể khiến bé né tránh món ăn đó. Việc tạo áp lực hay trao đổi kiểu như: “Con phải ăn hết đĩa rau này mẹ mới cho ăn bánh” cũng khiến trẻ dần sợ và dị ứng rau đấy. Thay vào đó, cách giúp trẻ hết biếng ăn là bạn cho con tự quyết định khi chọn món. Bạn có thể giải thích cho con về lợi ích của món ăn đó và chúng sẽ giúp con phát triển như thế nào rồi để con thoải mái lựa chọn.
3. KHÔNG ĐÓI

Từ hai tuổi, bé phát triển chậm lại và không cần ăn nhiều bữa như khi mới sinh. Trẻ có thể ăn ít hơn, miễn sao chiều cao và cân nặng của bé nằm trong biên độ phù hợp với độ tuổi mà các bác sỹ đưa ra. Bạn cũng không nên cho con ăn vặt và uống nước trái cây trước bữa ăn để tránh làm bé đầy bụng và giảm cảm giác đói, thèm ăn.
♦ Bạn phải làm sao? Thiết lập thời gian biểu 3 bữa ăn chính trong ngày và hai bữa ăn nhẹ vào giữa giờ để trẻ quen với thời gian ăn và tránh tình trạng ăn vặt trong ngày.
4. VỊ

Nhìn chung, trẻ con thường thích thực phẩm có vị ngọt. Lý do là vì chúng đang ở độ tuổi phát triển nhanh nên cần những thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Và các thực phẩm có vị ngọt đáp ứng được điều này. Hơn nữa, cứ 4 trẻ sinh ra thì có một bé có gien nhạy cảm với vị chát. Đó là lý do trẻ ghét các thực phẩm như súp-lơ và một số loại rau quả.
♦ Bạn phải làm sao? Đừng loại thực phẩm trẻ không thích ra khỏi thực đơn mà hãy có cách chế biến khác. Với súp lơ, bạn đừng luộc hay xào mà có thể nấu súp. Trẻ cần ăn khoảng từ 5 đến 10 lần một loại thực phẩm thì mới quen và ăn được nhiều thực phẩm đó.
Bí quyết và cách giúp trẻ hết biếng ăn
Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cũng là cách giúp trẻ hết biếng ăn.
√ Đưa ra chọn lựa: Bạn có thể chuẩn bị sẵn vài món ăn trên bàn để trẻ đưa ra chọn lựa của mình. Chẳng hạn nếu ăn cơm, bạn có hai món ăn mặn, món xào và món canh hoặc cũng có thể thêm các loại bún, phở để thay đổi khẩu vị.
√ Không để phân tâm: Trẻ sẽ thường thích chơi hơn ăn. Vì vậy, để trẻ có thể tập trung ăn uống, bạn nên tắt ti-vi, iPad, điện thoại, cất đồ chơi khi trẻ ngồi vào bàn ăn.
√ Ăn với thức ăn nhẹ: Nếu trẻ không ăn món bạn nấu với cơm, bạn có thể nghĩ tới các giải pháp tạm thời như cháo, súp để tập thói quen rằng trẻ có thể yêu cầu một món ăn nào đó chúng thích thay vì ăn cơm.
√ Cho trẻ vào bếp: Cho con cùng nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn sẽ tạo cho bé cảm giác có công trong việc chuẩn bị món ăn và hào hứng để thưởng thức thành quả của mình.
Bài: Uyên Hồ
Mục Mẹ và con / Tiếp Thị Gia Đình