4 cách biến căng thẳng thành trợ thủ đắc lực

Ai cũng biết stress vô cùng nguy hại, song bạn hoàn toàn có thể tận dụng vị khách không mời này làm trợ thủ đắc lực cho mình

Bạn nghĩ xem, các vận động viên tham gia giải Olympic có căng thẳng trước khi thi đấu không? Có chứ! Nếu né tránh căng thẳng, làm sao họ giành huy chương.

Căng thẳng có thể tiếp thêm năng lượng, tạo động lực và giúp bạn đổi đời nếu bạn đón nhận nó. Đó là nguyên lý mà nữ tiến sỹ Kelly McGonigal của Đại học Standford, Mỹ, giới thiệu trong quyển The Upside of Stress: Why Stress Is Good for You and How to Get Good At It (tạm dịch: Tại sao căng thẳng tốt cho bạn và Làm cách nào để tận dụng nó).

Bà McGonigal nhấn mạnh, thay vì xem căng thẳng như nguy cơ, bạn hãy xem nó là một thách thức. Bà chia sẻ rằng chính bà trước kia cũng không nhận ra điều đó cho đến khi thu nhận được những kết quả bất ngờ từ một cuộc nghiên cứu năm 2012.

Theo đó, căng thẳng chỉ hủy hoại những ai sợ hãi nó, còn với những người không có quan điểm ấy thì nhiều trải nghiệm căng thẳng càng giúp họ mạnh mẽ hơn.

“Nếu bạn chào đón căng thẳng như một thách thức, nó sẽ trở thành cơ hội để bạn học hỏi và phát triển”, bà McGonigal lý giải. Bà cũng đưa ra 4 cách giúp bạn biến căng thẳng thành trợ thủ đắc lực.

KHẲNG ĐỊNH LẠI CÂU “TÔI HÀO HỨNG”

Một nghiên cứu đã cho những người sắp tham gia phỏng vấn xem hai đoạn clip về stress. Một clip giới thiệu căng thẳng như một cơ hội để tăng cường việc học hỏi và phát triển. Clip còn lại khẳng định stress ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe và khả năng làm việc. Khi tham gia phỏng vấn, ở những người xem đoạn clip tích cực, não tiết ra chất DHEA nhiều hơn. Chất này giúp làm giảm lo lắng, trầm cảm, từ đó đẩy lùi stress. Do đó, khi bạn bắt đầu cảm thấy căng thẳng, hãy đọc câu “thần chú” “Tôi hào hứng” để nhắc bản thân về cảm giác tích cực.

HƯỚNG ĐẾN KẾT QUẢ SẼ ĐẠT ĐƯỢC

20150825-stress-and-success-control-concept
Khi cảm thấy quá tải và dường như không còn sức chịu đựng, bạn hãy nghĩ đến những lợi ích lâu dài của việc bạn đang làm. Nhờ đó, bạn sẽ có động lực để vượt qua.

“Bạn có thể đối mặt với những trải nghiệm căng thẳng bằng cách tìm lại nguồn sức mạnh đã có được từ những trải nghiệm trước đó”, tiến sỹ McGonigal lưu ý.

Một nghiên cứu của Đại học Hope, ở Mỹ, cho thấy sau hai phút nghĩ về kết quả tích cực có được từ một thử thách, những người tham gia cảm giác hạnh phúc hơn và tự chủ hơn.

THƯ GIÃN VỚI ÂM NHẠC

20150825-stress-and-success-listen-music
Nghiên cứu đã chứng minh âm nhạc có thể thay đổi cách cơ thể bạn phản ứng với căng thẳng và tăng cường tự tin. Vì thế, khi căng thẳng, bạn hãy chọn nghe những bài hát nói về chiến thắng, vinh quang, chẳng hạn “Đường đến vinh quang” và những bài hát nhịp điệu sôi động, lạc quan của ca sỹ mà bạn yêu thích.

LUÔN NHỚ CĂNG THẲNG = Ý NGHĨA

Một nghiên cứu đã cho thấy những người có cuộc sống ý nghĩa thường trải nghiệm nhiều căng thẳng hơn. Những nhà nghiên cứu đã để cho những người tham gia tự định nghĩa thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hầu hết cho rằng đó là cuộc sống “có mục đích và có giá trị”. Kết quả cho thấy những người càng trải nghiệm các tình huống căng thẳng nhất càng có xu hướng đánh giá cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Nếu bạn có ý định xóa bỏ những ký ức chứa căng thẳng khỏi cuộc đời mình, có thể bạn cũng sẽ xóa bỏ luôn những gì được xem là có ý nghĩa trong đời mình. Vì vậy, hãy mở rộng vòng tay đón nhận căng thẳng và sử dụng nó tốt nhất cho cuộc đời mình.

Mục Sức khỏe Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua