“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Cho đi và nhận lại luôn là một phần tốt đẹp của cuộc sống. Từng thay đổi nhỏ từ mỗi cá nhân sẽ góp phần giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mang đến hạnh phúc cho những người bên mình. Với con trẻ, việc dạy con biết sẻ chia, cảm thông và giúp đỡ mọi người quanh mình; dạy con biết cách cho đi luôn là điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dạy con biết sẻ chia, hiểu được cách để yêu thương, mở rộng lòng mình cũng như nuôi nấng một tâm hồn độ lượng với các mảnh đời.
1. BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHOI
Trước tiên, bạn hãy chỉ cho trẻ những tình huống diễn ra hàng ngày và cho biết thật ra con có thể thay đổi tình huống, làm cho mọi việc tốt đẹp hơn. Chỉ cho trẻ một vài cử chỉ tử tế, có thể góp phần thay đổi tâm trạng cho những người xung quanh. Đơn giản nhất, bạn có thể dạy trẻ cách giữ cửa cho những người đi sau, nói lời cảm ơn với mọi người hoặc sẵn sàng giúp đỡ khi ai đó nhờ vả. Một tâm hồn đẹp và rộng lượng luôn bắt nguồn từ những điều nhỏ nhoi, giản dị như vậy. Nhân chi sở tính bổn thiện, mọi đứa trẻ trên đời đều nhìn cuộc sống tinh khôi và ngập tràn yêu thương. Bạn chỉ cần hướng dẫn cho con từ những điều bình dị hàng ngày để làm nên một nhân sinh quan đúng đắn cho bé.
2. CHẠM ĐẾN TRÁI TIM
Trong hành trình dạy con biết sẻ chia, đồng cảm với cuộc sống, bạn đừng bỏ qua những trải nghiệm của cảm xúc. Khi bạn và bé đang ở trong quá trình khám phá vẻ đẹp của việc cho và nhận trong cuộc đời, hãy thử cảm nhận cảm xúc của mình khi ấy. Những lúc khó khăn và được giúp đỡ, bạn sẽ thế nào? Vui mừng, biết ơn, rạng rỡ? Những lúc có điều kiện và giúp đỡ người khác, bạn cảm thấy ra sao? Tự hào, nhẹ nhõm, thanh thản và cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp? Từng thay đổi nhỏ trong cảm xúc ấy sẽ giúp trẻ thấu hiểu thêm về tầm quan trọng của việc mở rộng lòng mình, đón nhận mọi việc trong cuộc sống.
3. NGỢI CA
Hãy luôn để mắt quan sát đến con. Khi trẻ giúp đỡ bạn bè, anh em hay giúp bạn làm việc nhà, hãy khen ngợi con. Tất nhiên, bản chất của việc sẻ chia và cho đi trong cuộc sống này không nằm ở việc để nhận được lời khen. Nhưng những lời khen ngợi với trẻ con chính là lời động viên, khuyến khích để trẻ ngày càng chú ý giúp đỡ mọi người xung quanh hơn. Những lời khen không cần quá chi tiết hay cường điệu. Đó là cách để bạn cho trẻ biết rằng “mẹ đang nhìn thấy những điều tốt đẹp trong con”. Điều đó đồng thời cũng giúp trẻ có ý thức hơn về hành động, thái độ của người khác để từ đó nuôi dưỡng tâm hồn biết cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia.
Theo MBG
Tiếp Thị Gia Đình