3 cách dạy con từ đứa trẻ bình thường trở thành thiên tài

Cha mẹ thường có những sáng kiến đáng ngạc nhiên trong cách nuôi dạy con trẻ với việc dạy con bằng tất cả tình yêu và tâm huyết từ khi chúng còn rất nhỏ

Bằng tất cả tình yêu và tâm huyết dành cho con, nhiều phụ huynh đã giúp con trẻ rất bình thường, thậm chí có vẻ đần độn, trở thành thiên tài. Trường hợp của nhà luật học Karl Witte, sinh năm 1800, tại vùng Halle, nước Đức, là một ví dụ.

Cha của Karl Witte không giàu và chỉ là một mục sư của làng. Đứa con đầu của ông đã mất ngay khi vừa sinh ra, Karl Witte là con kế. Đau lòng thay, Kart Witte sinh ra chẳng bình thường như bao đứa trẻ khác mà có vẻ đần độn. Witte cha đã phải kêu lên: “Tôi đã làm gì nên tội mà ông trời bắt tôi có một đứa con thế này”. Nhưng Witte cha không từ bỏ. Ông lên kế hoạch cho cách dạy con theo lối riêng của mình. Kết quả, đứa trẻ có vẻ đần độn ấy đã khiến nhiều người xung quanh ngạc nhiên. Mới 8 tuổi, Witte đã thạo sáu thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La-tinh, Anh và Hy Lạp. 9 tuổi, Witte đậu Đại học Leipzig, bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ toán học, nhận bằng tiến sỹ triết học, tiến sỹ luật khi chưa tới 14 tuổi. Witte cũng là tác giả cuốn Sai lầm của Dante và giảng dạy ở Đại học HaLle đến khi qua đời năm 1883.

Witte cha đã ghi lại cách nuôi dạy con của mình. Hiện chỉ có nước Mỹ còn lưu trữ được quyển duy nhất trong phòng lưu trữ tác phẩm quý. Hơn trăm năm trôi qua, phương pháp giáo dục sớm của Witte cha vẫn còn giá trị. Dưới đây là một số điều mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo.

1. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy ngôn ngữ vì ngôn ngữ chính là công cụ để tiếp cận mọi kiến thức khác

Cha Witte dạy ngôn ngữ cho con ngay từ khi biết cảm nhận sự vật. Đầu tiên là làm quen với danh từ thông qua hành động miêu tả. Ví dụ: Để dạy con từ “ngón tay”, ông dứ dứ ngón tay trước mặt con để con nhìn thấy sẽ nắm lấy. Khi nắm được, bé rất vui và đó là lúc ông bắt đầu phát âm: “Ngón tay”, lặp đi lặp lại nhiều lần và rõ ràng cho con nghe.

Tiếp theo, Witte dạy con cách nhận biết đồ vật trên bàn ăn, bộ phận trên cơ thể, quần áo, đồ nội thất, các phần trong nhà và cây cỏ ngoài sân.

Tiếp nữa, ông dạy con các động từ, tính từ. Phương pháp của ông là kể những chuyện liên quan đến sự vật muốn dạy, kèm thêm những từ mới có liên quan đồng thời giải thích rõ ý nghĩa của chúng. Cần nói đi nói lại nhiều lần cho trẻ nhớ.

cach day con hinh anh 01

Hãy xây dựng hứng thú học tập cho trẻ

Không dạy trẻ nói những từ mô phỏng tiếng kêu như meo meo, gâu gâu vì từ hai tuổi, trẻ đã có thể phát âm gần chính xác từ đó nếu được nghe nhiều lần. Ông không dạy những âm điệu đó mà dạy luôn “con mèo, con chó” và lặp lại nhiều lần cho con nghe. Con phát âm đúng, ông khen: “Giỏi lắm, giỏi lắm”. Phát âm sai, ông tìm cách sửa.

Con ba tuổi, Witte bắt đầu dạy con đọc nhưng không bắt ép mà luôn tạo hứng thú cho con trước khi học. Ông mua tranh, sách bằng tranh cho trẻ em rồi nghĩ ra điều thú vị để kích thích trí tò mò của con. Ví dụ: “Có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị về bức tranh này”, “Con không biết chữ thì làm sao mà hiểu được”… Khi Witte đòi học, Witte cha bắt đầu dạy.

Witte cha dạy ngoại ngữ theo chủ trương “nghe quen rồi sẽ nhớ”, không đặt nặng vấn đề dạy ngữ pháp khi con còn nhỏ.

2. Dạy kiến thức thực vật học, động vật học, toán học, hóa học…

Từ lúc Witte con ba tuổi, mỗi ngày Witte cha đều dẫn con đi dạo ít nhất hai tiếng. Nhìn thấy bất cứ sự vật nào, ông cũng giảng giải cặn kẽ cho con.

Khác với các bậc cha mẹ có con hai, ba tuổi thường than phiền: “Sao con hỏi nhiều thế? Mệt quá” hoặc trả lời đại khái, Witte khuyến khích con đặt câu hỏi và trả lời tận tình. Nếu không trả lời được, ông không ngại thừa nhận với con mình không biết, sau đó sẽ cùng con đi tìm trong sách, đến thư viện. Với cách này, ông tập cho con thói quen tìm tòi kiến thức, gạt bỏ thói đại khái, giản tiện trong học tập, nghiên cứu và cuộc sống.

Ông đưa con đi khắp làng, chỉ cho con cách quan sát phía này, phía kia, sau đó cùng con vẽ lại bản đồ sơ lược. Tiếp theo, ông lại dắt con đi dạo xung quanh để bổ sung đường đi, rừng núi, cây cỏ… và các vùng lân cận. Cuối cùng, ông mua một bản đồ chính xác về cùng con đối chiếu và chỉnh sửa phần chưa chính xác. Đó là cách Witte cha dạy con môn địa lý và bản đồ.

Khi con hai tuổi, Witte cha đưa con đi khắp nơi: mua sắm, thăm hỏi bạn bè, xem phim, lễ hội, âm nhạc, vũ kịch, vườn bách thú, công trường, hầm mỏ… Con ba tuổi, Witte cha bắt đầu đưa con đi du lịch khắp nơi. Sau khi về, ông để con thuật lại tỉ mỉ hoặc kể lại cho mẹ nghe.

cach day con hinh anh 02

Học hỏi từ thiên nhiên giúp bé phát triển toàn diện

Witte cha làm một khu vườn nhỏ trong sân nhà, nơi Witte con có thể tìm hiểu các loài hoa, côn trùng… để dạy con yêu và gắn bó với thiên nhiên. Ông hầu như không mua đồ chơi cho con. Ông cho rằng đồ chơi không giúp con nhớ được sự vật. Bé chơi chán, phá hỏng, quấy khóc, vứt đi lại là một sai lầm. Nó sẽ hình thành thói quen phá phách trong tính cách của trẻ về sau.

Trẻ đặc biệt thích tham gia các hoạt động nhà bếp, vì thế Witte cha mua cho con bộ dụng cụ đồ chơi nhà bếp. Hàng ngày, Witte con và mẹ chơi trò đóng vai chủ nhà và người làm bếp.

Witte cha không ép con ăn nhiều hơn mức cần thiết vì ăn quá nhiều, năng lượng phải dồn xuống dạ dày để tiêu hóa chứ không cung cấp cho cái đầu làm việc, vì thế não bộ sẽ không phát triển được.

Ông tạo không gian dễ chịu, để thổi cảm hứng cho con học. Nội thất trong nhà phải hài hòa, giấy dán tường phải đem lại cảm giác dễ chịu, đồ vật cái nào cũng có hoa văn trang nhã, trang phục giản dị quý phái, không lòe loẹt, ngoài vườn hoa quanh năm đua nở…

Cách dạy con Witte cha là giúp con phân biệt rõ chơi và học, đồng thời toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học. Khi Witte cha đang dạy con học, nếu khách đến chơi hoặc mẹ Witte có việc gấp cần hỏi, ông đều bảo mọi người đợi ông dạy con xong mới có thể tiếp chuyện.

Ông có trách mắng, ngăn cấm những việc xấu, không nên làm nhưng luôn cho con biết rõ lý do. Điều đó sẽ tránh làm hỏng năng lực tự phán xét khách quan, công bằng của trẻ sau này.

Khi con đọc hết cuốn sách cổ và kể lại được, ông sẽ dùng tên của người nổi tiếng để gọi con. Tiếp đó mẹ Witte bước vào chúc mừng và tặng quà. Sau nữa, Witte được đưa đi mua những thứ mình thích. Cả nhà mở tiệc chúc mừng. Điều đó khích lệ Witte phấn đấu học tập không ngừng.

3. Rèn tính cách

Mother Helping Children With Homework

Đọc cho trẻ những câu chuyện ý nghĩa giúp xây dựng nhân cách đẹp

Cùng với việc dạy tri thức, Witte cha dồn nhiều công sức vào việc hướng thiện cho con. Ngay từ nhỏ, ông kể cho con nghe những câu chuyện về cái thiện. Khi con làm được việc tốt, ông sẽ khen ngợi nhưng không bao giờ khen quá lời. Ông còn làm cuốn sổ nhỏ ghi lại những việc tốt của con để làm kỷ niệm.

Ông nói với con về những kẻ làm điều xấu với lời phê phán rất nghiêm khắc, thấm vào đầu con tư tưởng: “Chỉ cần ta dốc sức làm việc thiện, thánh thần sẽ biết”.

Mỗi ngày con học tập chăm chỉ sẽ được thưởng một đồng xu, nhưng nếu làm sai điều gì sẽ mất đồng xu đó. Ông dạy con dùng những đồng tiền này một cách ý nghĩa như mua quà Giáng Sinh cho bạn bè và những gia đình nghèo, giúp vùng bị thiên tai. Khi Witte con có đóng góp, ông khen ngợi: “Con làm rất tốt”.

Ông ít khi khen ngợi con, vì theo ông việc lạm dụng lời khen sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ. Ông còn tránh để người khác khen con mình. Nếu có người khen, ông sẽ dắt con ra ngoài để trẻ không phải nghe. Khi ông đã đề nghị mà không được, ông sẽ không dẫn con đến nhà đó nữa. Kết quả, dù là thần đồng nhưng Witte con không bao giờ có tính tự phụ, kiêu căng mà sống hòa nhã, khiêm nhường khiến nhiều người yêu mến.

BIẾT THÊM NHỮNG CÁCH DẠY CON THÚ VỊ

Cuốn sách Thiên tài và sự giáo dục từ sớm của tác giả người Nhật Bản, Kimura Kyuichi, không chỉ nói rõ về cách dạy con của Witte cha mà còn đề cập đến nhiều phương pháp giáo dục nổi tiếng với cha của anh em nhà Thomson, Mill, Goethe, của tiến sỹ Sidis, Berle hay của bà Stoner.

Văn phong nhẹ nhàng, bố cục rõ ràng, ngắn gọn sẽ giúp bạn hình dung ra cách giáo dục con từ sớm một cách dễ dàng nhất. Sách có bán tại First News, 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM và các nhà sách khác trên toàn quốc.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua