Hôm qua (11−7), Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đã tiếp nhận 3 bệnh nhi gồm Lý Ngọc S. (2 tuổi), Lý Thị P. (4 tuổi) và Lý Văn Tr. (5 tuổi). Các em là anh em ruột của nhau trong một gia đình ở thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Các bệnh nhi nhập viện cấp cứu vì uống nhầm thuốc diệt cỏ đựng trong chai nước ngọt Coca Cola.
Theo thông tin từ gia đình, trước đó bố mẹ của cả 3 đứa trẻ dùng vỏ chai nước ngọt đã sử dụng hết để đựng thuốc diệt cỏ và để trong nhà. Vì tưởng đó là chai nước ngọt từng được uống nên 3 đứa trẻ, trong đó lớn nhất là 5 tuổi, đã tìm cách lấy và chia nhau uống.
Ngay khi phát hiện 3 anh em đã uống nhầm thuốc diệt cỏ, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện đa khoa khu vực ATK để sơ cứu, rửa dạ dày rồi chuyển lên tuyến trên là bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Tại đây, 3 bệnh nhi tiếp tục được điều trị hồi sức và chăm sóc tích cực và theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn. Hiện tại, sức khỏe của các em dần ổn định, không sốt, không nôn và đã ăn trở lại.
Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ uống nhầm chất độc như xăng, thủy ngân, thuốc diệt cỏ…do sự bất cẩn của người lớn khi dùng các chai lọ đã từng cho cháu uống để đựng hóa chất. Đã có rất nhiều ca tử vong thương tâm trên tổng số khoảng 300−400 trẻ nhập viện do ngộ độc tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2.
Từ đó, có thể thấy rằng các tai nạn tương tự như vụ uống nhầm thuốc diệt cỏ này cực kỳ nguy hiểm, nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu bố mẹ chịu khó thực hiện những lưu ý sau:
√ Luôn luôn cất giữ các loại hóa chất ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Với hóa chất có độc tính cao như dung môi pha sơn, các loại thuốc diệt côn trùng phải để ở nơi riêng biệt và có khóa cẩn thận.
√ Tuyệt đối không dùng chai nước uống, nước ngọt để đựng hóa chất và ngược lại cũng không nên dùng chai đựng hóa chất trước đó để đựng nước.
√ Cách ly trẻ với khu vực để hóa chất và luôn có người lớn trông chừng.
√ Ưu tiên dùng các sản phẩm gia dụng có nguồn gốc thiên nhiên, ít gây độc.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây, hãy cho trẻ uống nhiều nước để pha loãng nồng độ, đồng thời mang theo chai hóa chất đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tìm cách giải độc:
√ Trẻ đau bụng, nôn mửa, da tái, lạnh, đổ mồ hôi.
√ Mặt xanh, môi tái nhợt, móng tay chuyển màu xám.
√ Thở gấp, lơ mơ.
√ Co giật hoặc hôn mê.
√ Quanh miệng tái nhợt và xuất hiện vết bỏng, nếu nuốt phải chất độc ăn mòn.
√ Có lọ chất độc hay một bình rỗng bên cạnh trẻ.
Việc uống nhầm hoá chất có thể gây suy hô hấp, làm rối loạn nhịp tim, uống số lượng nhiều có thể gây tử vong tức thời. Các bậc làm cha mẹ cần hết sức thận trọng để đảm bảo an toàn cho các con của mình.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình