Ngay khi quy định vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ có hiệu lực áp dụng vào ngày 1−8−2016, hàng loạt ý kiến phản bác được đưa ra khiến cơ quan chức năng phải cân nhắc về điều này.
Cụ thể là Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công An, cho biết, cách hiểu hiện tại của nhiều người là chưa chính xác.
Theo quy định của luật giao thông đường bộ từ trước đến nay, khi thấy đèn vàng, người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ. Trong trường hợp người tham gia giao thông đã đi vào khu vực ngã tư đèn mới chuyển sang vàng, thì vẫn được phép đi tiếp. Vì lẽ đó nếu hiểu rằng cứ thấy đèn vàng phải dừng là chưa đúng.
Thậm chí nếu hiểu theo cách là không được vượt đèn vàng bằng bất kỳ giá nào thì có thể khiến tai nạn xảy ra nhiều hơn, do người điều khiển phương tiện giao thông không kịp xử lý tình huống khi xe phía trước dừng đèn đột ngột.
Vì lẽ đó, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng các cơ quan chức năng đang xem xét và sẽ đề xuất bỏ quy định này, nếu qua thực tế áp dụng phát sinh nhiều điều bất hợp lý.
Khi quy định này được các phương tiện truyền thông đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều người cho rằng sẽ làm mất đi giá trị của chiếc đèn vàng vì được “đánh đồng” như đèn đỏ.
Thậm chí luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng quy định này là không phù hợp. Bởi lẽ, xét về góc độ lỗi, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Trong khi đó, hành vi vượt đèn vàng có thể có lỗi vô ý và cố ý, nên quy định mức phạt của hai lỗi này như nhau là chưa phù hợp.
Tiếp Thị Gia Đình